11:03, 14/08/2023
BHG – Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), năm 2000 thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới chỉ đạt 18 tỷ USD, đến năm 2018 doanh thu đã vượt mốc 100 tỷ USD; năm 2021 tăng mạnh lên 188 tỷ USD, và năm 2022 ước đạt 208 tỷ USD. Năm 2020, IFOAM công bố diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tại Việt Nam khoảng 237.693 ha; cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện sản xuất NNHC với sự tham gia của trên 17.000 nông dân, 97 doanh nghiệp sản xuất, 60 doanh nghiệp xuất khẩu với tổng kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Các sản phẩm NNHC của Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới. Tiềm năng và dư địa phát triển NNHC còn rất rộng mở.
Diện tích chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đã được triển khai sản xuất hữu cơ từ năm 2011. |
Theo dự báo của (FiBL) và (IFOAM), (NNHC) là xu hướng tất yếu trong tương lai. Là tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu đa dạng, khác biệt, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù; có nhiều chính sách của Nhà nước ưu tiên đầu tư… là cơ hội tốt và nền tảng để tỉnh ta phát triển sản xuất NNHC.
Thực tế, từ năm 2011 – 2015 tỉnh ta đã triển khai sản xuất NNHC trên cây chè Shan tuyết do IFOAM hỗ trợ tại các xã: Cao Bồ (Vị Xuyên), Tiên Yên (Quang Bình), Tả Sử Choóng, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). Tổng diện tích sản xuất chè hữu cơ 1.609,5 ha. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Kế hoạch số 219 của UBND tỉnh về phát triển diện tích chè theo tiêu chuẩn “GAP” giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã triển khai và chứng nhận được 4.975,25ha. Lũy kế từ 2011-2020 toàn tỉnh đã có 6.798,75 ha chè (100% chè Shan tuyết)/6.928 hộ nông dân và 25 doanh nghiệp chế biến chè) áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế và Việt Nam. Có 5/11 huyện, thành phố tham gia phát triển sản xuất chè hữu cơ (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên). Sản lượng chè theo các tiêu chuẩn GAP tính đến hết năm 2020 ước đạt trên 48.000 tấn, giá trị ước đạt 582 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng chè hữu cơ trên 21.000 tấn, giá bán bình quân cao gấp 4 -5 lần giá chè búp tươi sản xuất thông thường. Giá trị sản phẩm chè búp tươi được chứng nhận GAP bình quân đạt khoảng 55 – 70 triệu đồng/ha, cao hơn giá trị sản phẩm chè búp tươi sản xuất thông thường bình quân từ 15 – 30 triệu đồng/ha.
Với đặc thù một tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng mang đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới, mùa Đông lạnh kéo dài, có nhiều rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng, ô nhiễm do sử dụng các loại hoá chất trong sản xuất rất phù hợp cho trồng trọt và chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đánh giá có chất lượng tốt, thơm, ngon, sạch. Đến nay toàn tỉnh đã có 8 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, gồm: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, cam Sành, Bò Vàng, gạo Già Dui, Hồng không hạt, Thảo quả, cá Bỗng. Ngoài ra, tỉnh có nhiều sản phẩm đặc hữu như dược liệu, cây ăn quả ôn đới, lợn, gà địa phương… có thể trở thành hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bò Vàng vùng cao là một trong những sản phẩm phát triển theo hướng hữu cơ. |
Giai đoạn 2010 – 2020, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong sản xuất nông nghiệp: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt bình quân 5,59%/năm, trong đó nông nghiệp đạt 5,32%/năm (trồng trọt 4,37%, chăn nuôi 8,11%/năm). Cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi đã tăng từ 22,34% lên 35,76%. Sản xuất nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã có chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm, xây dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước như chè Shan tuyết, cam Sành và ong mật Bạc hà… đã hình thành một số vùng phát triển tập trung.
Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và định hướng của tỉnh, vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng mà chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu, sản xuất chưa theo tín hiệu thị trường, trình độ tiếp nhận thông tin của người dân còn chậm, việc sử dụng phân bón vô cơ, chất tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi vẫn còn xảy ra, gây ô nhiễm môi trường đất, nước đặc biệt là gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Với tiềm năng và thực trạng phát triển Nông nghiệp của tỉnh, xác định tầm nhìn dài hạn cho ngành Nông nghiệp, và thực hiện hiệu quả Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 2.3.2023 phê duyệt Đề án Phát triển NNHC tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái; phát triển NNHC gắn với thị trường, sản phẩm được quản lý, bảo vệ xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2025 diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ được gắn với liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong tổng diện tích cho thu hoạch của một số cây đặc trưng có tiềm năng, lợi thế của tỉnh đạt khoảng 20-25%, tương đương 11.184ha. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết 70% (10.084ha), cam 4% (350ha), cây ăn quả ôn đới 10% (180ha), lúa chất lượng cao 3% (220ha), dược liệu 2% (350ha). Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 6-7%/tổng số sản phẩm thịt bò, thịt lợn đen xuất chuồng và mật ong Bạc hà. Trong đó, thịt bò 10-12% (460 tấn), thịt lợn đen 4% (300 tấn), mật ong Bạc hà 20% (46 tấn). 100% các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được cấp mã vùng trồng và 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ được quảng bá, bao tiêu. Nâng cao giá trị các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tăng 1,3 – 1,5 lần so với sản phẩm sản xuất phi hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ được gắn với liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt 20-30% (khoảng 15.061ha).
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh ta xác định tập trung phát triển các sản phẩm hữu cơ chủ lực như: Con bò, lợn, ong và cây ăn quả ôn đới, chè, cam, dược liệu, lúa; phân rõ vùng trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ ở các địa phương, tiểu vùng khí hậu; thực hiện đa dạng các hình thức tổ chức phát triển sản phẩm hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất NNHC; tăng cường đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ và tăng cường thu hút đầu tư chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm NNHC…
Bài, ảnh: DUY TUẤN