09:47, 29/08/2023
BHG – Cây Mai dây, trồng trên đất đồi ở xã Hương Sơn (Quang Bình) sau 6 tháng đã cho thu hái lá, một năm sau khi trồng đã cho thu cả lá lẫn măng. Ngoài lợi ích kinh tế, cây Mai dây còn có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Lợi ích từ trồng cây Mai dây mang lại đang trở thành mục tiêu phát triển của địa phương này.
Đồi cây Mai dây nhà chị Bàn Thị Nhung, thôn Nghè, sau 1 năm trồng đã cho thu hái lá và măng. |
Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, Hoàng Văn Nguồn vui vẻ bật mí: Hương Sơn đang tập trung phát triển trồng cây Mai dây trên đất trống, đồi trọc và trồng thay thế diện tích trồng cam đã, đang chết. Cây Mai dây trồng tại Hương Sơn có khả năng thích nghi tốt, phát triển mạnh và đang mang lại lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường. Hiện tại, giá thu mua mỗi kg lá cây Mai dây dao động từ 15 – 18 ngàn đồng/kg. Và mỗi kg măng Mai dây thu mua từ 5 – 8 ngàn đồng/kg. Độ sinh trưởng nhanh của cây tạo ra độ che phủ khá ấn tượng trên đồi đất có tác dụng tạo ra nguồn sinh thủy, được trữ lại trong lòng đất mỗi khi trời mưa. Và chính độ thẩm thấu của nước mưa tạo ra nguồn dự trữ nước ngầm cho đất, vừa có tác dụng tránh rửa trôi, vừa tạo ra môi trường cho các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, làm cho đất tơi xốp. Quan trọng hơn, cây Mai dây còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân từ thu hoạch lá, măng. Lá Mai dây được các cơ sở thu mua xuất khẩu ổn định. Còn măng Mai dây là nguồn thực phẩm cung cấp cho tiêu dùng có thị trường rộng mở… Anh Nguồn cho biết thêm: UBND xã Hương Sơn đang tập trung chỉ đạo người dân các thôn trồng mới khoảng 30 – 35 ha cây Mai dây ngay trong cuối năm. Trước mắt, tập trung giống, phân bón trồng Mai dây trên diện tích trồng cam mắc bệnh chết. Dần dần trồng phủ xanh đất trống, đồi trọc còn lại trong các thôn, bản. Gắn việc trồng thay thế cây Mai dây với Chương trình cải tạo vườn, đồi tạp, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ngay trong quý 3 năm nay, Hương Sơn sẽ phấn đấu trồng khoảng 30 ha cây Mai dây. Hiện, UBND xã đã xây dựng kế hoạch chiết cành nhân giống tại chỗ. Xây dựng vườn ươm giống đảm bảo chất lượng và đủ để trồng 150 ha cây Mai dây vào năm 2024. Hướng tới, đưa diện tích trồng Mai dây từ 300 ha – 500 ha vào năm 2025, tạo ra vùng hàng hóa đủ lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Đồng nghĩa với việc tận dụng tối đa nguồn lực về đất đai, sức lao động tại chỗ để phát triển cây Mai dây bền vững.
Măng cây Mai dây là nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định khoảng 3 triệu đồng/ha/tháng và thu liên tục 8 tháng/năm của người dân thôn Nghè. |
Thôn Nghè là thôn có những cá nhân đi đầu chuyển đổi vườn, đồi trồng cây Mai dây. Chị Bàn Thị Nhung người dân trong thôn kể: Đầu vụ, giá thu mua măng Mai dây bình quân là 10 – 12 ngàn đồng/kg. Nay giao động từ 5 – 8 ngàn đồng/kg. Bình quân một tháng cây Mai dây cho thu hoạch 3 lứa măng, tương đương 3,5 tạ/ha/tháng. Đối với lá, mỗi tháng ít nhất là 3 lứa, mỗi lứa từ 1,3 – 1,5 tạ/ha, khoảng 7 tấn/năm, tương đương mức thu nhập khoảng 75 – 80 triệu đồng. Tổng thu từ lá và măng cây Mai dây trồng được 1 năm tuổi khoảng 110 – 120 triệu đồng/năm. Thôn Nghè hiện có 5 gia đình đã trồng 10 ha cây Mai dây đang cho thu hoạch. Mới đây, được sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền xã, chị Nhung đã đứng ra thành lập HTX trồng cây Mai dây. Tại thời điểm này, các thành viên trong HTX vừa tranh thủ thời gian thu hoạch lá, măng và bó chiết cành nhân giống, làm vườn ươm cây, mở rộng diện tích thành vùng hàng hoá. Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây Mai dây còn rất lớn, rất cần có sự hỗ trợ, đầu tư từ phía Nhà nước để nông dân Hương Sơn có thêm vốn trồng cây Mai dây thành vùng hàng xuất khẩu.
Mong rằng, ý nguyện của chị Nhung và bà con thôn Nghè, các thôn trong xã Hương Sơn về vốn trồng cây Mai dây sẽ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kịp thời. Tôi hứa, sẽ trở lại Hương Sơn vui cùng bà con về những mùa thu hoạch lá, thu hoạch măng cây Mai dây để xoá hết khó khăn, hướng đến sự giàu có trên đồi đất quê nhà.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng