Từ ngày 1 – 6.7, Đoàn công tác của Hội nhà Báo Hà Giang do đồng chí Lê Trọng Lập, Chủ tịch Hội nhà Báo tỉnh làm trưởng đoàn, cùng một số cán bộ, hội viên nhà báo của các cơ quan báo chí trong tỉnh đã tổ chức chương trình “Hành trình về nguồn” thăm các địa chỉ đỏ và trao đổi, học tập kinh nghiệm nghiệp vụ báo chí tại một số tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Đây là một trong những hoạt động của Hội Nhà báo Hà Giang kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2024) và hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2025).
Đoàn dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ 10 nữ Liệt sỹ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc |
Trong chuyến hành trình về nguồn, cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Hà Giang đã đến thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt tại Ngã ba Đồng Lộc, thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn của hơn 4.000 Liệt sỹ thanh niên xung phong trong cả nước và khu mộ 10 nữ Anh hùng Liệt sỹ thanh niên xung phong đã ngã xuống trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để bảo vệ huyết mạch giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã dệt nên những kỳ tích, những huyền thoại còn vang vọng mãi đến mai sau.
Đoàn dâng hoa, dâng hương các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn |
Tiếp đó, Đoàn đến dâng hương, dâng hoa, bày tỏ tấm lòng tri ân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài ba của dân tộc tại nơi yên nghỉ của Đại tướng khu vực Đảo Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đoàn thắp hương khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đảo Vũng Chùa – Đảo Yến, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. |
Đoàn cũng đã đến thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ và xúc động sâu sắc trước sự hy sinh to lớn của các Anh hùng, Liệt sỹ đã xả thân trong 81 ngày đêm máu lửa đầy khốc liệt để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị – cứ điểm thành trì cách mạng của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Đoàn nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử Ngã ba Đồng Lộc |
Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn – nơi quy tụ 10.326 phần mộ các Anh hùng Liệt sỹ, trong đó có 45 phần mộ Liệt sỹ của tỉnh Hà Giang đã tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Trong không khí trang nghiêm các thành viên trong đoàn đã dành phút mặc niệm, kính cẩn dâng hoa, dâng nén hương thơm, thắp hương lên các phần mộ tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đa số các Anh hùng, Liệt sỹ (nhiều người có tên tuổi và nhiều người chưa xác định được thông tin) đều là những người có tuổi đời rất trẻ, máu, xương thịt và tuổi xuân của các anh, chị mãi mãi nằm lại ở đất lửa Quảng Trị anh hùng.
Đoàn nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu di tích trụ sở làm việc của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam |
Tiếp đó, Hành trình về nguồn đưa đoàn cán bộ, hội viên nhà báo tỉnh đến tham quan Địa đạo Vịnh Mốc – Di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Trị. Đây là công trình vô cùng độc đáo trong lòng đất lửa Quảng Trị, là di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha, ông ta trong những năm kháng chiến. Với những giá trị lịch sử to lớn, năm 1976, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đặc cách công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Vua Hàm Nghi, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị |
Ngoài ra đoàn đã đến thăm một số di tích lịch sử tại tỉnh Quảng Trị như thăm đền thờ Vua Hàm Nghi cùng các tướng sĩ Cần Vương tại Khu di tích Quốc gia Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Đền thờ vua Hàm Nghi cùng các tướng sĩ Cần Vương là một địa điểm lịch sử tâm linh. Nơi đây ngày 13.7.1885 vua Hàm Nghi đã ban dụ Cần Vương chống Pháp xâm lược. Tham quan Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam lộ, huyện Cam Lộ. Đây là một trong những minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân miền Nam. Và đây mãi mãi là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cùng đó, đoàn cũng đã đến thăm Khu nhà trưng bày kỷ vật chiến tranh (Khu nhà Bom); tham quan khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), Khu du lịch biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), Biển Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị), gặp gỡ giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm nghiệp vụ Báo chí và tặng quà lưu niệm với Hội nhà báo các tỉnh.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị |
Chương trình “Hành trình về nguồn” của đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang, từ đó nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của báo chí cả nước nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Hà Giang tặng quà cho Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An |
PV
Nguồn: http://hagiangtv.vn/doi-song-xa-hoi/202407/hoi-nha-bao-tinh-to-chuc-chuong-trinh-hanh-trinh-ve-nguon-tai-mien-trung-48213ca/