Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước để triển khai công tác tư pháp năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Năm 2024, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ đề ra. Kết quả công tác năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Công tác thi hành án dân sự. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng... Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Các địa phương đã ban hành 4.832 văn bản QPPL cấp tỉnh, 2.144 văn bản QPPL cấp huyện và 2.629 văn bản QPPL cấp xã. Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức trên 566 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người; tổ chức trên 10 nghìn cuộc thi cho hơn 14 triệu lượt người dự thi; phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL. Về công tác trợ giúp pháp lý, cả nước đã thụ lý mới 39.641 vụ việc, đã hoàn thành 37.343 vụ việc, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành là 30.538 vụ việc. Các cơ quan Thi hành án Dân sự đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc, đạt tỉ lệ 83,88%.
Trong thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp phấn đấu quán triệt, tham mưu thể chế hóa triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2025. Nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản QPPL; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản BQPPL. Tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ, ngành Tư pháp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án Dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp. Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Hồng Duyên – Tuấn Đạt
Nguồn: http://hagiangtv.vn/thoi-su-chinh-tri/202412/hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-tu-phap-nam-2025-8ee2edb/