Hà Giang có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với 19 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên bản sắc vùng, miền độc đáo và phong phú. Trong đó, huyện Đồng Văn là một trong 4 huyện vùng cao, núi đá sở hữu công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống, trong đó sắc thái văn hóa của người dân tộc Mông, Lô Lô…, tạo ra sự riêng biệt cho huyện Đồng Văn. Những di sản thể hiện qua kiến trúc nhà ở, bờ rào đá, nghệ thuật múa khèn, trang phục dân tộc, nghề đan lát, dệt vải… được huyện khai thác hiệu quả.
Một trong những thành công của Hà Giang được thể hiện qua việc tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X với chủ đề “Miền hoa thương nhớ” ghi dấu 10 năm Lễ hội hoa Tam giác mạch có mặt trên bản đồ du lịch. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo gieo trồng tam giác mạch thành những vùng rộng lớn, có điểm nhấn với quy mô hàng trăm ha để thu hút du khách; tổ chức các chương trình nghệ thuật mang đậm hơi thở Cao nguyên đá, hội thi trang phục dân tộc… Thông qua lễ hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; tôn vinh những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người nơi đây; quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng đến với du khách. Trong thời điểm diễn ra Lễ hội, huyện Đồng Văn thu hút hơn 13.000 lượt khách.
Chị Nguyễn Ngọc Nga, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng và bất ngờ trước vẻ đẹp nơi đây. Tôi được hòa mình vào nhịp sống của người dân Cao nguyên đá với lối kiến trúc rêu phong, cổ kính, văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của đồng bào, người dân thì rất là thân thiện…”.
Đặc biệt, nhằm nâng cấp hạ tầng, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ X, Đồng Văn đã thực hiện xây dựng, cải tạo 12 điểm nhấn du lịch tại các xã, thị trấn trọng điểm. Trong quá trình quy hoạch xây dựng, phát triển, huyện đã lãnh đạo bảo tồn được nét đẹp truyền thống, đảm bảo hài hòa, không phá vỡ cảnh quan, địa mạo Cao nguyên đá… Trong đó, nổi bật là hàng rào đá khu vực đầu thị trấn Đồng Văn gắn liền với cổng chào huyện Đồng Văn, có tổng chiều dài gần 2km. Đây là công trình xếp đá dài nhất trong khu vực với tổng kinh phí đầu tư 3,8 tỷ đồng. Trung tâm Diễn xướng huyện được thiết kế hình tròn có viền ngoài là bậc tam cấp, đường kính 28m với tổng diện tích trên 615m2, mặt sân được lát đá hoa và hoa văn trống đồng của dân tộc Lô Lô. Các hạng mục xã hội hoá bao gồm Trung tâm thương mại, ẩm thực, vui chơi giải trí… được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; Trung tâm Diễn xướng sẽ tạo điều kiện cho du khách có các hoạt động giao lưu dân ca, dân vũ, văn hóa, văn nghệ về đêm khi đến du lịch tại huyện…
Tại thôn Lô lô Chải, xã Lũng Cú, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Lô Lô đã được huyện Đồng Văn khai thác hiệu quả. Thôn hiện có 119 hộ, 542 nhân khẩu sinh sống, từ khi làm du lịch cộng đồng, diện mạo thôn Lô Lô Chải ngày càng khởi sắc, đời sống của bà con từng bước được cải thiện rõ nét. Hơn thế nữa, người dân Lô Lô ở điểm cực Bắc giờ đây đã quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và lấy đó làm thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.
Để bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững, chúng tôi rất chú trọng đến cái quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các cái quy hoạch cho phát triển du lịch. Đặc biệt, tất cả các điểm nhấn, công trình xây dựng mới và sản phẩm du lịch đều phải theo cái kiến trúc truyền thống”.
Ông Đỗ Quốc Hương,Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn
Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, bà con trong thôn chỉ biết trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng đến nay, làng đã có 42 hộ làm du lịch. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mỗi hộ còn tạo việc làm cho 2 – 4 lao động là người địa phương, mỗi lao động có thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Làm du lịch, bà con vừa có thu nhập cao, vừa bảo tồn và quảng bá đến du khách về văn hóa dân tộc mình nên bà con trong thôn rất phấn khởi”.
Để hướng dẫn các hộ làm du lịch cộng đồng, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí, tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, nghiệp vụ nấu nướng, phục vụ khách du lịch… Đồng thời tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho các hộ bảo vệ môi trường, giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Lô Lô… Nhờ lưu giữ được kiến trúc nhà ở, nét văn hóa truyền thống Lô Lô Chải đã trở thành điểm du lịch hút khách bậc nhất tại vùng đất “đá cũng nở hoa”.