14:16, 29/10/2023
BHG – Với mục tiêu “Đưa tín dụng nông nghiệp đến toàn thể khách hàng”, thời gian qua, Agribank Thanh Thủy phụ trách 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến, trong đó có 4 xã biên giới và 1 xã nội địa. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng tới người dân, Agribank Thanh Thủy đã triển khai nhiều chính sách vay vốn ưu đãi cho nông dân. Đồng thời, rút ngắn thời gian xét duyệt và giải ngân vốn vay, lãi suất ưu đãi,… Qua đó, cơ bản hoàn thiện mục tiêu giúp người nông dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Thanh Thủy. |
Là khách hàng thân thuộc của Agribank Thanh Thủy suốt hơn 10 năm qua, bà Kim Thị Tiếp ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy được tiếp sức nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh ván bóc. Những năm trước đây, khi chưa có sự ảnh hưởng của dịch Covid – 19, việc kinh doanh của gia đình khá thuận lợi, nhưng từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch thì kinh doanh ngày càng trì trệ. Để tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô, bà Tiếp đã vay thêm vốn Agribank. Đến nay, mỗi tháng gia đình bà xuất bán khoảng 30 xe container, ước khoảng 1.000 tấn ván bóc. Ngoài ra, gia đình bà còn tạo công ăn việc làm cho trên 80 lao động với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Kim Thị Tiếp chia sẻ: “Nếu không có sự đồng hành, tiếp sức của nguồn vốn Agribank thì gia đình tôi sẽ lâm vào cảnh tạm dừng kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid -19. Nhưng may mắn được cán bộ Agribank Thanh Thủy tận tình hỗ trợ, đồng hành và có những ưu đãi về lãi suất nên gia đình mới có thể phát triển, mở rộng kinh doanh như bây giờ”.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tại vùng biên, Agribank Thanh Thủy đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp hiệu quả với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã để đưa nguồn vốn lan tỏa, tiếp cận với người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng trên địa bàn các xã phụ trách, trong đó chú trọng tới các địa bàn là vùng biên giới.
Từ nguồn vốn vay Agribank, bà Kim Thị Tiếp ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy đã mở rộng quy mô kinh doanh ván bóc. |
Trao đổi về hiệu quả khi đưa nguồn vốn tới người dân, anh Mã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Thanh Thủy cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị đã góp sức cùng toàn hệ thống chính trị – xã hội các địa bàn được phụ trách thực hiện hiệu quả chính sách nguồn vốn, tạo vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ổn định các vấn đề kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn. Ngân hàng luôn bám sát địa bàn hoạt động, định hướng phát triển kinh tế hàng năm của địa phương để triển khai cho vay phù hợp. Trong đó, tập trung đầu tư tín dụng các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao. Tính đến hết tháng 9.2023, dư nợ của đơn vị đạt trên 237 tỷ đồng cho hơn 431 khách hàng vay vốn”.
Trong hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid – 19, Agribank Thanh Thủy còn triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách của Ngân hàng Nhà nước, của Hội sở tỉnh trong việc hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do tác động của dịch. Theo đó, đơn vị đã cơ cấu lại nợ và thực hiện miễn giảm lãi tiền vay, điều chỉnh lãi suất vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Xác định là đơn vị chủ chốt trong việc đầu tư vốn, phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn kết và tạo điều kiện hết sức để người dân phát triển kinh tế, làm giàu tại vùng biên, thời gian tới, Agribank Thanh Thủy tiếp tục bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tập trung ưu tiên cho vốn vay nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời, chú trọng khâu đánh giá, phân tích nhu cầu vay của khách hàng, phối hợp với tổ chức, chính quyền địa phương, đặc biệt là các hội, đoàn thể đứng ra ủy thác nhằm mở rộng nguồn vốn vay, giúp các hộ dân ở vùng biên có thể tiếp cận các gói vay vốn một cách thuận lợi nhất.
Bài, ảnh: Hồng Cừ