Du lịch di sản vươn mình
Du lịch di sản luôn là một trong những sản phẩm du lịch trọng tâm thời gian vừa qua. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch đặc thù này vẫn chưa phát huy đúng tiềm năng.
Trong không gian ấm cúng tại khu tập thể cũ số 6 Tông Đản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) những ngày cuối năm, nhiều chuyên gia văn hóa, di sản, du lịch đã có mặt tại tọa đàm Du lịch di sản vươn mình để cùng bàn thảo về vấn đề này.
Các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống trước khi bắt đầu tọa đàm. |
Du lịch di sản vươn mình được thực hiện tại ngôi nhà được xây dựng từ thập niên 1980 – nơi đã lưu giữ những dấu mốc của một gia đình người Hà Nội.
Trong không gian hoài cổ, người tham dự được thưởng thức trình diễn di sản văn hóa, nghệ thuật sau đó cùng thảo luận về việc phát triển di sản văn hóa gắn với du lịch.
“Chương trình là sự kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống và thảo luận về du lịch di sản trong kỷ nguyên mới. Đề tài chúng tôi đưa ra khá hàn lâm nhưng những người làm chương trình luôn muốn nó gần gũi hơn với công chúng. Vì vậy, chương trình được thực hiện như buổi tâm sự, hàn huyên giữa những người bạn”, TS. Đặng Thị Phương Anh (khoa Du lịch, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) – người thực hiện tọa đàm cho biết.
Tọa đàm Du lịch di sản vươn mình được tổ chức tại khu tập thể cũ số 6 Tông Đản (Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Gắn sản phẩm với trải nghiệm du khách
Thưởng thức những màn trình diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc, ông Ken Wood – Giám đốc dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) – cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển các loại hình du lịch gắn với di sản văn hóa.
“Tôi đã ở Việt Nam khoảng 2 năm nhưng vẫn luôn bị thu hút bởi những điều mới mẻ ở đây như các loại hình nghệ thuật, di sản phi vật thể. Việt Nam có nhiều điều để giới thiệu tới du khách. Trong quá trình triển khai các hoạt động của dự án tại Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp chúng tôi đã nhận ra điều đó”, ông Ken Wood nêu.
TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam – cho rằng phát triển du lịch và bảo tồn di sản luôn có mối liên hệ chặt chẽ, đòi hỏi cách tiếp cận bền vững của các bên liên quan.
Các di tích cần được thổi hồn nhờ biểu diễn nghệ thuật theo chủ đề. |
“Sản phẩm du lịch cần chất liệu từ di sản, ngược lại các di sản cũng cần ngành du lịch để được giới thiệu đến du khách. Mỗi loại hình di tích hay di sản văn hóa phi vật thể lại cần cách tiếp cận khác nhau cho phù hợp với hoạt động du lịch. Điều quan trọng là gìn giữ nguyên vẹn những giá trị tại di tích, sau đó bổ sung thêm trải nghiệm cho khách du lịch”, TS. Lê Thị Minh Lý nêu.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất ngôi nhà số 6 Tông Đản trở thành một điểm du lịch di sản tại Hà Nội, bởi kiến trúc ngôi nhà được lưu giữ nguyên vẹn. Đây sẽ là điểm đến giúp du khách tìm hiểu, hoài niệm về Hà Nội, con người Hà Nội trong quá khứ.
Nhiều kiến trúc lâu đời có thể trở thành địa điểm thu hút du khách quốc tế nếu được gắn với những câu chuyện hấp dẫn. |
“Hà Nội nên có quy hoạch và chính sách hỗ trợ, không nên xóa bỏ tất cả ngôi nhà lâu đời mà cần chọn lọc, giữ lại một vài địa điểm và kể các câu chuyện, chủ đề khác nhau theo từng điểm đến. Việc này giúp các công ty có nhiều lựa chọn hơn khi xây dựng tour và du khách cũng có đa dạng trải nghiệm hơn”, TS. Lê Thị Minh Lý đề xuất.
TS. Đặng Thị Phương Anh cho rằng trước đây Việt Nam đã quan tâm, phát triển du lịch di sản nhưng “chưa tới”. “Chúng ta chỉ chú trọng làm thế nào để kể câu chuyện về di sản và niềm tự hào về di sản của chúng ta mà chưa quan tâm đến việc kể thế nào để thu hút khách quốc tế”, TS. Đặng Thị Phương Anh nêu.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất để các di tích và di sản phát triển một cách bền vững, cần áp dụng công nghệ hiện đại để mô phỏng, tái hiện lịch sử hoặc kêu gọi xây dựng bảo tàng ký ức cộng đồng… Đây sẽ là không gian giao lưu, trình diễn văn hóa của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, hướng tới nuôi dưỡng tình yêu di sản và nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ.
Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-khong-nen-xoa-bo-tat-ca-ngoi-nha-lau-doi-post1707945.tpo