09:59, 03/11/2023
BHG – Tại Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 36,5% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; nâng tổng đàn gia súc lên 28.087 con, đàn lợn 47.963 con, đàn dê 26.732 con, đàn gia cầm 295.250 con; duy trì và phát triển mới 116 gia trại chăn nuôi; phát triển 200 lồng cá trên lòng hồ thủy điện và thành lập 2 hợp tác xã nuôi, đánh bắt thủy sản… Để đạt mục tiêu đó, huyện Bắc Mê đã nỗ lực triển khai và vận động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành trong thực hiện chỉ tiêu nghị quyết.
Cán bộ thú y xã Yên Định phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi. |
Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền huyện, sau nửa nhiệm kỳ, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện đạt 32,7% đạt 89,5% so với Nghị quyết; tổng đàn trâu, bò hiện có 25.653 con đạt 91,3%; đàn lợn 48.580 con đạt 101%; đàn gia cầm 296.370 con đạt 100%; trên 95% tổng đàn gia súc được tiêm phòng đầy đủ; 85% số hộ có chuồng trại gia súc kiên cố… Cùng với đó là sự phát triển nghề nuôi thủy sản, giúp mỗi hợp tác xã thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng. Để có kết quả trên, huyện đã bố trí nguồn lực đầu tư cho phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chủ động kinh phí mua vắc xin tiêm phòng. Đồng thời triển khai một số giải pháp như: Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp xử lý môi trường như ủ phân, đệm lót sinh học, lắp đặt biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi; phát động các phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giúp nhau di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà, xây dựng mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; đưa nội dung không thả rông gia súc, hộ chăn nuôi phải có chuồng trại vào hương ước, quy ước của thôn; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện tái đàn sau chu kỳ chăn nuôi…
Đồng chí Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, các cấp chính quyền huyện đã triển khai nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Trung ương, tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất để phát triển quy mô chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, nhất là đối với chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm. Với những nỗ lực đó tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ngày càng tăng; chất lượng đàn bò, đàn lợn được nâng cao; các chỉ tiêu tổng đàn, sản lượng thịt xuất chuồng; diện tích trồng cỏ đều tăng và cơ bản đảm bảo tiến độ. Cùng với đó các gia trại chăn nuôi đã đạt được những kết quả khả quan cả về số lượng, chất lượng và quy mô; nhất là gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn đen địa phương đã đem lại hiệu quả kinh tế, thu được từ chăn nuôi tập trung ngày càng được nâng lên; chất lượng sản phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường”.
Bàn giao bò sinh sản theo ba chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Minh Sơn. |
Tuy nhiên để việc chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa thực sự hiệu quả thì vẫn còn rất nhiều khó khăn, như: Điều kiện về thời tiết rét đậm, rét hại, nắng nóng kéo dài; một số dịch bệnh trên gia súc chưa có vắc xin đặc trị; giá cả thị trường không ổn định, nhất là giá trâu, bò giảm mạnh dẫn đến người dân không mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn; việc xây dựng đề án, kế hoạch phát triển chăn nuôi còn chung chung, không có giải pháp cụ thể; chưa liên kết các hộ với nhau thành vùng chăn nuôi tập trung; nhiều hộ dân vẫn còn chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết…
Từ những chủ trương, chính sách, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân đã giúp bức tranh về ngành chăn nuôi của địa phương ngày một rõ nét. Bác Đặng Văn Sỹ, thôn Nà Viền, xã Giáp Trung chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương là hộ nghèo của xã vùng 3, tôi đã được hỗ trợ theo từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nuôi bò sinh sản. Bên cạnh việc được cung cấp giống, gia đình tôi thường xuyên được cán bộ thú y xã hỗ trợ về kỹ thuật và đặc biệt là sản phẩm của chúng tôi có đầu ra ổn định… Hiện nay trên địa bàn xã có rất nhiều hộ được hưởng chính sách hỗ trợ, điều này đã tạo cho chúng tôi thêm niềm tin và động lực để mở rộng chăn nuôi, cũng như hy vọng thoát nghèo”.
Bài, ảnh: Hoàng Yến