16:16, 06/11/2023
BHG – Xã Du Già nằm ở trung tâm các xã phía Nam huyện Yên Minh, nép mình dưới chân dãy núi Ba Tiên hùng vĩ. Khi có những du khách đầu tiên đặt chân đến khám phá mảnh đất này, Du Già giống như một “nàng tiên” được đánh thức sau giấc ngủ dài. Cuộc sống trở nên nhộn nhịp, bản làng đổi thay, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống khấm khá và no ấm hơn.
Những tháng ngày “ngủ quên”
Là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Yên Minh trên 50 km, cách thành phố Hà Giang gần 70 km, chỉ có duy nhất tỉnh lộ 176B chạy qua với cung đường dài, hẹp, xuống cấp, nhiều khúc cua. Vì vậy, trước năm 2017, Du Già nằm ẩn mình dưới chân dãy núi Ba Tiên thuộc Vườn quốc gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn và dường như “ngủ quên” trên bản đồ du lịch của tỉnh từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu năm 2010.
Một cụm dân cư ở Du Già tựa lưng vào núi Ba Tiên, nhìn ra cánh đồng lúa chín, như bức tranh tiên cảnh |
Du Già là địa bàn sinh sống của 9 dân tộc: Mông, Dao, Tày, Xuồng, Cao Lan… với trên 1.900 hộ, trên 9.400 khẩu. Người dân chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Cây ngô và lúa là 2 loại cây lương thực chính với tổng diện tích canh tác hàng năm trên 2.200 ha. Chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã khá phát triển và là nơi trao đổi, mua bán bò nổi tiếng trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn vào mỗi phiên chợ thứ 7 hàng tuần.
Mặc dù là xã thuộc vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều tiềm năng, nhưng từ năm 2017 trở về trước, du lịch là điều gì đó rất mới lạ đối với người dân nơi đây. Không ai nghĩ sẽ có ngày Du Già đón hàng trăm lượt khách tới tham quan, lưu trú mỗi ngày. Thời điểm trước, Du Già giống như “nàng tiên” đang chìm trong giấc ngủ say. Người dân sống dựa vào phát triển nông nghiệp, chủ yếu theo phương thức tự cung, tự cấp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ chiếm trên 40%.
Đổi thay từ du lịch
Trong 2 kỳ Đại hội gần đây (lần thứ XVI và XVII) Đảng bộ tỉnh đều xác định du lịch là một trong các khâu đột phá để tập trung chỉ đạo phát triển. Thực hiện định hướng trên, với những tiềm năng, thế mạnh đặc trưng riêng có của Du Già, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh lựa chọn nơi đây là trung tâm phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng các xã phía Nam của huyện. Sau gần 10 năm khuyến khích phát triển du lịch, thương hiệu Du Già đã được khẳng định trên bản đồ du lịch của tỉnh và là điểm đến thu hút du khách quốc tế, làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
“Nàng tiên” Du Già thức giấc, trở thành điểm đến của du khách quốc tế khi đến với Cao nguyên đá Đồng Văn |
Từ một xã chưa có dấu chân du lịch, đến nay trên địa bàn Du Già có 30 homestay, nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu lưu trú cho trên 700 khách lưu trú/ngày, đêm. Hàng chục nhà hàng, quán ăn và các dịch vụ đi kèm được mở ra phục vụ khách du lịch. Giai đoạn 2016 – 2020, Du Già chỉ đón gần 40.000 lượt khách. Nhưng từ đầu năm đến nay, xã đã đón trên 52.000 lượt khách, trong đó có trên 37.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 70 tỷ đồng.
Du lịch phát triển trở thành “đầu tàu” kéo theo nhiều lĩnh vực khác phát triển như: Dịch vụ lưu trú, kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, xây dựng hạ tầng, hướng dẫn viên du lịch, biểu diễn văn nghệ dân gian… Từ đó, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Theo thông tin từ UBND xã Du Già, trên địa bàn xã có gần 100 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ với mức lương bình quân 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Riêng các hộ làm dịch vụ lưu trú, homestay, vào những dịp cao điểm, lễ hội, có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của khách du lịch, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã ngày càng phát triển, đem lại thu nhập khá cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Du Già, Hoàng Minh Trường khẳng định: Trong 5 năm trở lại đây, nhờ phát triển du lịch, bộ mặt nông thôn của xã thực sự thay đổi. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ. Đời sống người dân nâng lên đáng kể. Đàn gia súc tăng, đạt gần 10.000 con, đàn gia cầm trên 30.000 con. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.
Bài, ảnh: Lương Hà