09:47, 20/09/2023
BHG – Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Nông nghiệp hữu cơ với việc không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất đã đảm bảo được sự an toàn của các sản phẩm nông nghiệp với sức khỏe con người. Đồng thời còn là phương thức sản xuất đảm bảo an toàn cho môi trường. Vì vậy, nền nông nghiệp đã và đang chuyển từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, hữu cơ.
Người dân thị trấn Phố Bảng trồng lê theo hướng hữu cơ. |
Đồng Văn là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều cây, con đặc đặc trưng, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Nền nông nghiệp truyền thống của địa phương cũng thuận lợi cho sản xuất tự nhiên. Ngoài ra, tại các xã, thị trấn có nhiều vùng sản xuất chưa bị ảnh hưởng bởi hóa chất, rất phù hợp cho chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện đón hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch, tạo điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với bảo tồn môi trường sinh thái, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tạo ra nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Với những lợi thế đó, huyện đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Đến nay, đã xây dựng được một số sản phẩm tiêu biểu như: Cây chè với diện tích 92 ha; cây lê 438 ha, hiện đã có 222 ha cho sản phẩm; cây mận 31,2 ha hiện đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển; Hồng không hạt 6,4 ha hiện đang giai đoạn sinh trưởng; cây Tam giác mạch 259 ha. Ngoài ra còn có các sản phẩm như bò vàng 24.000 con; lợn đen trên 33.400 con. Hiện tại, đã có 30 ha cây chè trồng tại xã Lũng Phìn được chứng nhận sản xuất hữu cơ năm 2021.
Mật ong Bạc hà là một trong những sản phẩm OCOP của huyện. |
Để tạo điều kiện cho phát triển các sản phẩm hữu cơ, huyện đã và đang duy trì, củng cố hoạt động của các doanh nghiệp, 29 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác, 89 nhóm sở thích, 9 làng nghề để làm đầu mối liên kết tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện, đồng thời là chủ thể tiếp nhận triển khai các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Phòng chuyên môn cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, đặc biệt là cho các hộ nông dân. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ đã được triển khai như: Mô hình trồng hoa Hướng dương, trồng Mắc Ca, Dâu tây; chăn nuôi dê boer; trồng rau chuyên canh; trồng cây ăn quả tập trung và chăn nuôi hàng hóa bò, lợn, dê, ong. Hiện các mô hình này đang trong quá trình thực hiện và chưa được chứng nhận, tuy nhiên các hộ nông dân đã áp dụng kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc theo đúng quy trình, đảm bảo các quy định.
Thực tế, trong quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Đồng Văn gặp không ít khó khăn, do trình độ của người dân còn hạn chế, không đồng đều dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, địa hình đất dốc, xen lẫn đá do đó khó khăn trong việc hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cũng như áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất. Vấn đề vệ sinh môi trường trong chăn nuôi chưa được xử lý tốt vẫn còn gây ô nhiễm môi trường… Vì vậy, huyện đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, đẩy mạnh việc tổ chức các lớp đào tạo tập huấn để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Thực hiện một số mô hình sản xuất hiệu quả cho người dân học tập. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện việc trao đổi đất, dồn điền tạo thành vùng sản xuất quy mô lớn hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất. Vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp xử lý chất thải hoặc hỗ trợ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học gắn với xử lý môi trường chăn nuôi. Khuyến khích, thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tích cực tham gia liên kết với các hộ dân để sản xuất, tiêu thụ, chế biến các sản phẩm VietGAP, hữu cơ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn cho biết: Trong giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn huyện đã có 18 sản phẩm được chứng nhận Ocop, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu như mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, ớt Gió, các sản phẩm từ hạt Tam giác mạch… Hiện, Phòng đã xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2024, trong đó, duy trì chứng nhận sản xuất hữu cơ đối với 30 ha chè tại xã Lũng Phìn gắn với HTX chế biến Nông, lâm sản Lũng Phìn. Đồng thời, thực hiện mô hình sản xuất, cấp giấy chứng nhận và truy xuất nguồn gốc cho 61 ha cây ăn quả ôn đới, 31 ha cây mận, 30 ha cây lê, 50 ha lúa đặc sản Khẩu Mang, sản phẩm bò vàng Đồng Văn, lợn đen địa phương, chăn nuôi ong. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP lên trang thông tin điện tử của huyện, các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, sàn giao dịch điện tử phiên chợ khuyến nông… Ngoài ra, chủ động liên kết với các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini giới thiệu quảng bá sản phẩm để đông đảo người tiêu dùng biết đến và sử dụng các sản phẩm hữu cơ của Đồng Văn, tạo đà cho nông sản sạch có cơ hội vươn ra thị trường.
Bài, ảnh: MY LY