11:36, 24/07/2023
BHG – Xác định xúc tiến thương mại (XTTM) giữ vai trò cầu nối, làm đòn bẩy hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong XTTM, tạo động lực khơi thông “dòng chảy” hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh, tìm đầu ra ỔN đỊnh cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, góp phần phát triển KT – XH địa phương.
Nhận diện khó khăn
Người dân và du khách tìm hiểu, mua sắm sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. |
Thời gian qua, tỉnh ta đẩy mạnh hoạt động XTTM, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định. Mở các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh và hỗ trợ hình thành các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các địa phương, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của nhân dân và du khách.
Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Việt Thế cho biết: Thông qua giao thương kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tại các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu… đã nâng tầm giá trị các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp người nông dân yên tâm phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác thông tin, tuyên truyền giúp người tiêu dùng tại các thị trường lớn nhận diện và hiểu được giá trị các sản phẩm tiêu biểu; góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, du lịch, con người vùng đất địa đầu cực Bắc.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ lượng lớn sản phẩm. Hỗ trợ phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức, chú trọng đầu tư nhãn mác, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; giúp sản phẩm tiêu biểu của địa phương có chỗ đứng trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và xu thế công nghệ số nên các hoạt động XTTM theo phương thức truyền thống có thời gian bị đứt gãy, gián đoạn. Việc tiêu thụ các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chưa cao, do việc vận chuyển hàng hóa và thanh toán trực tuyến; thói quen mua, bán hàng truyền thống của người dân trong sinh hoạt và hoạt động kinh doanh; sản phẩm chủ yếu theo mùa vụ, thời gian thu hoạch ngắn, tươi sống, khó bảo quản trong quá trình vận chuyển… dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu mua, bán trên các sàn thương mại điện tử.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho rằng: Do sản xuất của người dân hiện nay còn mang tính manh mún, phân tán, có tính thời vụ; các hình thức tổ chức sản xuất tăng về số lượng nhưng chất lượng hoạt động yếu. Chuỗi liên kết chưa hiệu quả, chưa thực sự gắn kết vùng trồng với chế biến và tiêu thụ; nhiều sản phẩm có sản lượng lớn nhưng chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế, dẫn đến giá trị sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động XTTM. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm; nhiều đơn vị sản xuất chỉ chú trọng khâu làm ra sản phẩm và tiêu thụ thông qua kênh truyền thống, thiếu quan tâm, đầu tư vào việc ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực nên XTTM hiệu quả chưa cao…
Đồng bộ giải pháp tháo gỡ
“Chắp cánh” thương hiệu nông sản, tỉnh ta xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động XTTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung thúc đẩy triển khai các phương thức XTTM hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ số và áp dụng hệ sinh thái XTTM số quốc gia. Phát huy vai trò và tính tự chủ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong triển khai các hoạt động xúc tiến; từng bước đưa hoạt động XTTM đi vào chiều sâu, tăng về chất và lượng một cách hiệu quả, bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long chia sẻ: Tỉnh xác định XTTM trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh; định hướng triển khai và phát huy nội lực các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề. Gắn kết các hoạt động XTTM với phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ; các chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động XTTM của địa phương với chương trình XTTM quốc gia để gia tăng nguồn lực. Hình thành, phát triển đa dạng các phương thức XTTM, tạo động lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm cầu nối vững chắc, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tạo điều kiện cho các mặt hàng của tỉnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị trí trên thị trường nội địa; khuyến khích phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh riêng, có khả năng thâm nhập, tạo thị phần ổn định trên thị trường khu vực và thế giới.
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, tỉnh tập trung đa dạng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống truyền thông số trong công tác tuyên truyền, thông tin XTTM. Quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng bao bì, nhãn mác, thương hiệu đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh phục vụ công tác xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, sản phẩm OCOP quy mô lớn, có lợi thế của tỉnh. Đa dạng hóa các phương thức XTTM; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XTTM, để cung ứng các dịch vụ một cách chuyên nghiệp, bài bản…
Bài, ảnh: KIM TIẾN