23:24, 29/10/2024
BHG – Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, chiều 29.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật: Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia. Tham gia thảo luận tại tổ 6, các đại biểu Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã góp ý nhiều nội dung quan trọng.
Đại biểu Phạm Thuý Chinh phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV |
Tham gia góp ý vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Phạm Thuý Chinh cho biết việc sửa đổi Luật lần này là cần thiết, tuy nhiên để bảo đảm tính ổn định lâu dài, dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát kỹ, để bảo đảm “các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; tuyệt đối không luật hoá các quy định của Nghị định và Thông tư” theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp.
Liên quan đến quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền (tại Điều 18, 30, 31). Đây là chính sách mới trên cơ sở mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện của các dự án thuộc đối tượng được hưởng chính sách đặc thù, do vậy để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn và có đầy đủ thông tin khách quan, toàn diện, đại biểu Phạm Thuý Chinh đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, đánh giá kỹ tác động của chính sách để Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và quy định về trách nhiệm của các địa phương trong công tác đền bù, tái định cư của dự án.
Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV |
Về quy định bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (khoản 7 Điều 5), theo đại biểu Phạm Thuý Chinh, việc quy định ngân sách địa phương bố trí vốn để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi là chưa phù hợp, đặc biệt là với những địa phương không tự cân đối được ngân sách.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để có được những thủ tục đơn giản nhất, giảm chi phí, thời gian cho các cơ quan và đối tượng thực hiện Luật này; rà soát khái niệm “Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” tại khoản 13 Điều 4 của dự thảo Luật để đảm bảo chính xác, thống nhất với khái niệm tại các văn bản pháp luật và Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tham gia ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu Phạm Thuý Chinh cho biết dự thảo Luật đã thể rõ sự phân công, phân cấp mạnh cho các cơ quan, đơn vị được giao, quản lý sử dụng tài sản công, chuyển từ quy định “phân cấp” sang “phân quyền”.
Đối với nội dung quy định về phương thức đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản (khoản 15 Điều 5 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị Chính phủ cần lưu ý quy định cụ thể việc xử lý vướng mắc đối với trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư nhưng lại do một cơ quan quản lý nhà nước khác là đại diện chủ sở hữu; tài sản kết cấu hạ tầng này không tính là vốn của doanh nghiệp dẫn đến rất nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý, sử dụng, nhất là việc bố trí dự toán ngân sách quản lý, vận hành và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng.
Tham gia góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Tráng A Dương bày tỏ sự nhất trí với việc bổ sung quy định về các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Luật Chứng khoán). Theo đại biểu điều này là cần thiết để giảm thiểu rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải là đại chúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với quy định “Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán….” (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1, Điều 31 của Luật Chứng khoán), đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này, nếu không có thể sẽ là rào cản rất lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, dẫn đến việc e dè của các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư, làm mất cơ hội cho cả nhà đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng huy dộng nguồn lực và vốn của tổ chức phát hành.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202410/doan-dbqh-tinh-ha-giang-thao-luan-to-ve-mot-so-du-an-luat-9424c60/