Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu chia tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT – XH năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024 – 2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch phát triển KT – XH, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025… Thảo luận tại tổ 6, các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang gồm: Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn; Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Vương Thị Hương, Phó phòng Dân tộc huyện Xín Mần đã đóng góp một số ý kiến vào kết quả phát triển KT – XH năm 2023.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV |
Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2023. Đồng thời đánh giá cao công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách trong năm qua với sự đổi mới về cách làm, nhiều dự án luật đã được thông qua trong các kỳ họp trước; những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Lý Thị Lan chỉ ra một số vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia khiến tiến độ triển khai chậm. Đại biểu dẫn chứng, Hà Giang là tỉnh được phân bổ nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) lớn, áp lực giải ngân các nguồn vốn lớn trong khi các chính sách chậm được sửa đổi, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, các văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng ở địa phương thiếu thống nhất khiến khó triển khai. Trong 3 tháng cuối năm, đại biểu đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp để các địa phương có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cho chủ trương chuyển nguồn sang năm 2024 đối với các dự án vướng mắc khách quan; có cơ chế phân cấp hơn nữa trong triển khai 3 chương trình MTQG để phù hợp với điều kiện địa phương như điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục đầu tư…; các bộ, ngành có hướng dẫn rút gọn các thủ tục đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương.
Đại biểu Phạm Thuý Chinh thảo luận. Ảnh: CTV |
Đại biểu cũng đồng tình với chính sách tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 của Quốc hội và lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27; việc điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Vương Thị Hương thông tin những băn khoăn của cử tri về tình trạng thiếu giao viên ở các cấp học, nhất là giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học trong khi việc tuyển dụng giáo viên hàng năm hầu như không đạt chỉ tiêu do không có nguồn tuyển. Đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn tính định mức số tiết dạy cho giáo viên tiếng Anh, Tin học khi dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến hay lớp học ảo. Đại biểu cũng nêu một số bất cập trong quy định số lượng cấp phó đối với đơn vị trường học theo Nghị định 120 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21.12.2001 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung. Bởi mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh ở các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên hiện nay đang áp dụng mức 140 nghìn đồng/1 người là quá thấp, đã duy trì 12 năm nay, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận. Ảnh: CTV |
Góp ý thêm vào việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Vương Thị Hương cho rằng đây là chương trình lớn, mang quan điểm đầu tư tổng thể, với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần, có sự tham gia của nhiều bộ, cơ quan T.Ư với rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, nhưng không tập trung dẫn đến cấp cơ sở loay hoay trong việc tiếp cận, đọc hiểu. Đại biểu đề xuất Chính phủ nghiên cứu xem xét chỉ đạo các bộ chủ quản phối hợp ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chung các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình.
Đại biểu cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện một số tiểu dự án hỗ trợ về xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về điều kiện hỗ trợ dự án, phương án sản xuất, dịch vụ của cộng đồng; hỗ trợ chuyển đổi số và nâng cao khả năng học tập, chia sẻ kinh nghiệm trực tuyến cho cán bộ triển khai thực hiện chương trình ở các cấp.
Đại biểu cũng đề nghị từ năm 2024, T.Ư chỉ giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia, không giao chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện và đảm bảo kế hoạch giải ngân. Đồng thời có cơ chế cho các địa phương được điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 giữa các dự án để phù hợp với nhu cầu thực tiễn và khả năng giải ngân. Đề xuất cho phép kéo dài thanh toán vốn sự nghiệp và đầu tư đến hết 31/12/2024 đối với nguồn vốn chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm cả vốn 2022).
Duy Tuấn (tổng hợp)