12:21, 11/11/2023
BHG – Chiều 10.11, tiếp tục phiên thảo luận tại tổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia thảo luận tại tổ 6, về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tráng A Dương tán thành quy định của dự thảo Luật về tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc quy định số đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội được bầu (125 đại biểu) chưa căn cứ khoa học và không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, tinh giản biên chế. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu số lượng đại biểu thành phố cho phù hợp với các quy định của pháp luật.
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: CTV |
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh sửa quy định về số lượng Thường trực HĐND, các ủy viên HĐND, trưởng, phó các ban HĐND Thành phố Hà Nội cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng “phụ nữ thuộc hộ cận nghèo dân tộc thiểu số” được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế trong khoản 3, Điều 28 dự thảo Luật. Bởi Thành phố Hà Nội hiện có 50 dân tộc thiểu số, trên 100 nghìn người, chiếm 1,3% dân số, sự chênh lệch mức sống, thu nhập của đồng bào các dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của Thành phố có khoảng cách lớn.
Theo đại biểu Tráng A Dương, quy định tại khoản 6 Điều 30 về quản lý, sử dụng đất đai cần nghiên cứu, bổ sung cụm từ “minh bạch” sau cụm từ “công khai”. Đại biểu cũng góp ý thêm vào quy định chuyển tiếp tại Điều 59 dự thảo Luật.
Thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm một khoản vào Điều 1 của dự thảo Luật quy định về “đối tượng áp dụng” nhằm xác định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các quy định của Luật này nhằm bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch trong thực hiện pháp luật, đồng thời chỉnh sửa lại tên của Điều 1 cho phù hợp với nội dung.
Tại khoản 8, Điều 17 về yêu cầu thu thập tài liệu quy định “Trường hợp tài liệu lưu trữ số có nội dung trùng với tài liệu lưu trữ giấy thì thu thập cả hai loại”. Đại biểu đề nghị xem xét cân nhắc chỉ nên chọn lưu trữ một loại tài liệu vì cả 2 loại tài liệu lưu trữ đều có giá trị và sử dụng như nhau. Đồng thời tránh việc lưu trữ trùng lặp và tốn diện tích nơi lưu trữ.
Theo đại biểu, quy định tại Điều 27 về giải mật tài liệu lưu trữ trong dự thảo Luật mới đề cập đến thẩm quyền nhưng chưa thấy có quy định về số lượng thành viên và cơ cấu như thế nào để bảo đảm thống nhất, đầy đủ và tạo thuận lợi cho việc áp dụng. Đối với quy định về hoạt động lưu trữ tư từ Điều 44 đến Điều 52, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số vấn đề về hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư; quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; Nhà nước sử dụng có thời hạn tài liệu lưu trữ tư để bảo đảm cho hoạt động lưu trữ tư tồn tại và phát triển.
Đối với quy định về cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ tại khoản 1 Điều 57, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung và quy định rõ trong Luật “Cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ” để tạo thuận lợi cho việc thực hiện, khi Luật có hiệu lực là thực hiện được ngay và thể hiện tính công khai, minh bạch của pháp luật. Đồng thời chỉnh sửa, bổ sung thêm nội dung khoản 5 điều này cho phù hợp.
Theo đại biểu Vương Thị Hương, quy định về “Quản lý về lưu trữ” ở Chương VIII từ Điều 58 đến Điều 64, cơ quan soạn thảo nên rà soát chỉnh sửa, bổ sung thêm một số nội dung quy định về phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, tài liệu lưu trữ tư; quy định về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tiền thân của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các nhân vật lịch sử, tiêu biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam; quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về lưu trữ tại Điều 59 dự thảo Luật.
Đại biểu cho rằng, quy định chuyển tiếp tại Điều 68, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định lại các trường hợp được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ đang có hiệu lực theo hướng mở hơn.
Duy Tuấn (tổng hợp)