08:40, 09/11/2023
BHG – Ngày 8.11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chia tổ thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và dự thảo Luật Công nghiệp QP-AN và động viên công nghiệp. Thảo luận tại tổ 6, các đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Quốc hội và đại biểu Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận một số nội dung vào 2 dự án Luật trên.
Thảo vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Tráng A Dương cho rằng về tài sản đấu giá quy tại Điều 4 trong dự thảo Luật quy định 18 nhóm tài sản thuộc 18 nhóm lĩnh vực đưa vào diện đấu giá là quá rộng và còn chung chung.
Theo đại biểu, trên thực tế các văn bản pháp luật này rất phức tạp, còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo nên có trường hợp khó xác định tài sản nào phải đấu gía. Điều này dễ dẫn đến những sai phạm trong quản lý khi luật có nội dung chưa rõ ràng. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, thể hiện lại điều này rõ ràng hơn và bổ sung điều khoản quy định “Chính phủ quy định chi tiết điều này để có cơ sở pháp lý chắc chắn thực hiện”. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về đấu giá biển số xe ô tô vào sau khoản 4; làm rõ hơn về quy định nợ xấu trong đấu giá, bởi lẽ đây là vấn đề lớn và có tính đặc thù nên Luật cần có những quy định riêng cho nội dung này.
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Cổng đấu giá tài sản quốc gia quy định tại Điều 5. Theo đại biểu, Cổng đấu giá tài sản đóng vai trò thực sự vào hoạt động kinh tế và cũng cần bổ sung quy định về thành lập các sàn đấu giá tài sản ở các địa phương để thúc đẩy các hoạt động đấu giá nhằm nâng cao tính minh bạch, công khai, giảm chi phí, thủ tục như các hình thức thông thường hiện nay.
Về quy định “Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết quy chế cuộc đấu giá… và thông báo công khai trên cổng đấu giá tài sản quốc gia”. Theo đại biểu không nên bắt buộc tất cả các cuộc đấu giá đều phải đưa lên Cổng đấu giá quốc gia mà chỉ nên quy định các trường hợp có giá trị tài sản lớn; các cuộc có giá trị tài sản nhỏ, chỉ cần thông tin trên sàn đấu giá địa phương.
Đại biểu Tráng A Dương cho rằng tại khoản 2, Điều 36 quy định việc xem tài sản đấu giá liên tục 2 ngày kể từ ngày niêm yết đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá là chưa hợp lý, bởi lẽ có thể cho xem ở thời điểm trước ngày đấu giá dễ dẫn đến không minh bạch. Trong khi đó có loại chỉ quy định 7 ngày từ khi niêm yết đến khi mở đấu giá. Theo đại biểu, khoản này cần điều chỉnh lại cho phù hợp.
Đại biểu Tráng A Dương cũng góp ý và đề nghị sửa đổi một số nội dung quy định về địa điểm tổ chức đấu giá tại Điều 37, quy định về “Hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá” tại Điều 73…
Thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp QP-AN và động viên, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, đối với các nguồn lực đảm bảo QP-AN, trong dự thảo Luật quy định về trang thiết bị đối với thời bình và thời chiến có tầng, có lớp và nội hàm rõ ràng. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về nguồn vốn, nhân lực, đất đai và triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ trong thực tiễn. Theo đại biểu, dự báo tình hình QP-AN đã mang tính vĩ mô, nhưng hoạt động vi mô cần tính toán thêm, kỹ hơn về sử dụng nguồn vốn, nhân lực, đất đai và triển khai hoạt động khoa học công nghệ phục vụ cho hoạt động QP-AN. Đại biểu đề nghị cần cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và thu hút nhân tài cho lĩnh vực khoa học quân sự, khắc phục tình trạng chảy máu chất xám trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định rất mong muốn luật sớm được thông qua để các lực lượng vũ trang và lực lượng phối hợp được đầu tư hơn nữa về trang bị, vũ khí… Đồng thời ngoài các chính sách đang thực thi cần có cơ chế nhanh hơn, mạnh hơn để đáp ứng yêu cầu hoạt động quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Duy Tuấn