23:24, 24/10/2024
BHG – Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, chiều 24.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); Luật Dữ liệu.
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã góp ý nhiều nội dung. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lý Thị Lan đánh giá cao sự khẩn trương trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật của Bộ Y tế và đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội Quốc hội và đặc biệt là đề xuất dự án luật được xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Góp ý trực tiếp vào dự án Luật, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng là: “Trẻ em dưới 6 tuổi không có giấy khai sinh”;“Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi” và “Người thuộc gia đình thoát nghèo không thuộc hộ cận nghèo” vào nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT để đảm bảo quyền lợi cho mọi đối tượng. Đồng thời đề xuất bỏ giới hạn đối tượng thụ hưởng, không phân biệt việc thanh toán chi phí vận chuyển theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 21 dự án Luật. Theo đại biểu quy định thanh toán BHYT hiện nay là theo nhu cầu bệnh lý nên tất cả các đối tượng đều cần được hưởng chi phí này và hưởng theo tỷ lệ tương ứng của thẻ BHYT.
Đại biểu Tráng A Dương tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Liên quan đến quy định về thời gian thẩm định và quyết toán, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đề nghị xem xét lại, theo đại biểu việc quy định về thời gian thẩm định và quyết toán năm trước phải được thực hiện sớm hơn để phù hợp với thực tế hoạt động khám chữa bệnh và các cơ sở có thể điều chỉnh cân đối việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế. Đại biểu cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng lên 100% và kéo dài thời gian hỗ trợ cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện KT – XH khó khăn, vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn và các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện KT – XH khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Liên quan đến đội ngũ công chức làm công tác văn hoá – xã hội cấp xã, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan đề nghị bổ sung thêm một cán bộ chuyên trách lao động thương binh, xã hội cấp xã do hiện nay đang đảm đương quá nhiều công việc.
Tham gia vào dự án Luật này, đại biểu Hoàng Ngọc Định kiến nghị Quốc hội bổ sung BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực tại dự thảo Luật. Theo đại biểu việc quy định thân nhân của dân quân thường trực được tham gia BHYT để phù hợp giữa nhiệm vụ, quyền lợi của đối tượng dân quân thường trực và tương đồng với quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tại ngũ, đồng thời tạo động lực, sự yên tâm đối với dân quân thường trực trong thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào luật quy định các đối tượng có thời gian đóng BHYT lâu hơn sẽ có quyền lợi cao hơn cũng như nghiên cứu về khả năng cho phép các cá nhân trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có khả năng được đóng bảo hiểm y tế cao hơn để hưởng mức BHYT cao hơn; cho phép thanh toán BHYT đối với hoạt động áp dụng thêm phác đồ điều trị của các hiệp hội, tổ chức y tế để đảm bảo quyền lợi cho người dân; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm số tiền học sinh, sinh viên phải đóng vào Quỹ BHYT mà vẫn đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT…
Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết Luật Dữ liệu là một dự án Luật quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống, quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác; trong nội dung Luật có nhiều khái niệm chuyên ngành mới, điều chỉnh nhiều phạm vi mới. Do vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, hoàn thiện một số nội dung của Luật như: Về Quỹ phát triển dữ liệu (Khoản 1 Điều 44 “Bảo đảm nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển của Trung tâm dữ liệu quốc gia”). Theo đại biểu thì việc quy định được phép sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu cho hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia như trong dự thảo Luật đang không thống nhất với điểm d khoản 4 Điều 29 về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, đó là không được chi trùng với ngân sách nhà nước.
Để hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, khả thi trong triển khai thực hiện, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung, đánh giá đầy đủ sự ảnh hưởng của Luật Dữ liệu đối với các luật khác (theo Tờ trình của Chính phủ thì Luật Dữ liệu có tác động tới 69 văn bản luật khác, tuy nhiên trong Báo cáo đánh giá tác động mới chỉ nêu tác động đối với 6 luật).
Đại biểu Vương Thị Hương góp ý ban soạn thảo cần rà soát lại việc sử dụng từ ngữ tại các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh; Nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; Bảo vệ dữ liệu; Xác nhận, xác thực dữ liệu; Biện pháp bảo vệ dữ liệu; Trách nhiệm của tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu…
Duy Tuấn (tổng hợp)
Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202410/doan-dbqh-khoa-xv-don-vi-tinh-ha-giang-tham-gia-thao-luan-to-ve-mot-so-du-an-luat-8406c90/