19:59, 03/10/2024
BHG – Sáng 3.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách làm Trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực giai đoạn 2022-2024 trên địa bàn tỉnh tại Công ty Điện lực Hà Giang. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Lý Thị Lan kết luận hội nghị |
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công thương đã báo cáo tóm tắt về việc thực hiện chính sách pháp luật về điện lực giai đoạn 2022 – 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm, chú trọng và có nhiều giải pháp để phát triển tiềm năng về lĩnh vực năng lượng nói chung, phát triển điện lực nói riêng trên địa bàn; công tác lãnh, chỉ đạo kịp thời, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản liên quan về phát triển, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trên cơ sở định hướng, mục tiêu của các chính sách, quy định của pháp luật về điện lực các cấp, các ngành đã tổ chức triển khai thực hiện cơ bản đáp ứng theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH của tỉnh nói chung, lĩnh vực điện lực nói riêng. Hệ thống lưới điện quốc gia của tỉnh được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, cung cấp đủ điện năng góp phần phát triển KT – XH, bảo đảm an ninh năng lượng của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 nhà máy điện thủy điện đã vận hành phát điện thương mại với 762MW và 11 công trình đang thi công với 123MW. Trong đó, năm 2022, tổng điện lượng phát đạt 3.173,73 triệu kWh; năm 2023, tổng điện lượng phát đạt 2.319 triệu kWh; 8 tháng đầu năm 2024, tổng điện lượng phát đạt 1.922,36 triệu kWh. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia 94,8%…
Lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Giang báo cáo tại buổi khảo sát |
Các đại biểu đã trao đổi làm rõ một số vấn đề về thực hiện các nguyên tắc bảo đảm sử dụng điện hiệu quả, xử lý vi phạm an toàn lưới điện; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án điện lực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Một số dự án thủy điện chưa triển khai thực hiện và hoàn thành theo tiến độ do một số nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án còn yếu; việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, cho thuê đất còn chậm; tỷ lệ thôn biên giới chưa được sử dụng điện hoặc điện chưa đạt tiêu chuẩn còn cao; việc người dân sử dụng chung công tơ nên chịu giá điện cao. Các đại biểu cũng đề xuất Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật Điện lực sửa đổi; Bộ Công Thương xem xét tham mưu bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình cấp điện cho 89 thôn bản chưa có điện và các thôn có điện chưa đảm bảo chất lượng điện năng..
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Công ty Điện lực Hà Giang đã đạt được trong giai đoạn qua. Đồng chí đề nghị công ty tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về điện lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; kịp thời khắc phục những hạn chế trên lưới điện, cung cấp điện ổn định. Với những kiến nghị của công ty và các đại biểu tham dự, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang sẽ tiếp thu, tổng hợp chuyển Quốc hội làm cơ sở để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện lực giai đoạn tiếp theo.
Tin, ảnh: MY LY
Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202410/doan-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-don-vi-tinh-ha-giang-khao-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-dien-luc-7310caa/