Bánh Khảo là loại bánh truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp lễ, Tết của người Tày huyện Yên Minh. Được làm từ gạo nếp Râu đặc sản địa phương, trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ đã tạo nên thứ bánh dẻo thơm, ấn tượng. Không chỉ là loại bánh truyền thống, hiện bánh Khảo Yên Minh đã trở thành sản phẩm hàng hóa đạt OCOP 2 sao và có mặt tại nhiều thị trường.
Công đoạn trộn bánh và đường.
Dưới những dãy núi quanh năm mây phủ, người Tày Yên Minh định cư, sinh sống từ bao đời nay. Họ đã cùng các dân tộc trên địa bàn sinh sống, canh tác, tạo ra những hạt gạo thơm ngon, phục vụ bữa ăn hàng ngày và làm các loại bánh truyền thống. Từ xa xưa, bánh Khảo thường chỉ được làm vào dịp Tết Nguyên đán để thờ cúng Tổ tiên, tỏ lòng mến khách. Gìn giữ phong tục cổ truyền đó, hiện nay, nhiều gia đình người Tày Yên Minh vẫn duy trì nghề làm bánh Khảo truyền thống. Gia đình bà Nguyễn Thị Nhâm, thôn Nà Rược, thị trấn Yên Minh có nhiều đời làm nghề bánh Khảo, bà cho biết: “Để có được những phong bánh thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm: Gạo nếp Râu đặc sản địa phương, đường mía tự nấu, hoa Hồi, Thảo quả. Rồi trải qua các khâu xay bột, hạ thổ, ép khuôn bánh. Thành phẩm cuối cùng là bánh có độ kết dính vừa phải, khuôn bánh chắc, có vị thơm ngon đặc trưng”.
Bánh Khảo.
Được trực tiếp quan sát, tìm hiểu thêm về quy trình làm bánh Khảo mới thấy hết những công phu, tỉ mỉ của người làm. Gạo được bà con lựa chọn đúng loại nếp Râu địa phương, hạt tròn mẩy, sau khi đãi sạch, được rang cho vàng đều cùng với hoa Hồi, Thảo quả khô. Đây là điểm khác biệt trong cách làm bánh Khảo ở Yên Minh so với các địa phương khác nên cho ra hương vị đặc trưng nổi bật. Ở công đoạn này cần chú ý, vì nếu rang chưa đủ độ bánh sẽ không thơm, nếu rang quá lửa khiến bánh bị khét, màu sắc không đẹp mắt. Sau khi rang, gạo được đem đi xay mịn bằng cối đá, bột càng mịn bánh càng ngon rồi trộn với đường mía cho thật đều. Tiếp theo bột được đem đi ủ hay còn gọi là hạ thổ, người làm bánh chọn 1 góc khuất trong nhà, dọn sạch, vẩy 1 chút nước cho ẩm rồi lót vài lớp giấy, trải đều bột rồi đậy kín. Bột được hạ thổ khoảng 4 – 5 ngày cho hút đủ độ ẩm, ỉu ra là có thể đem đóng khuôn. Người Tày Yên Minh quan niệm, đây là công đoạn giao thoa giữa trời và đất, gạo là hạt “ngọc trời”, đem đi hạ thổ để tạo cân bằng âm – dương. Cuối cùng, bột được cho vào khuôn, ép nhẹ, có thể cho thêm nhân vừng, lạc tùy ý.
Khi thưởng thức bánh Khảo Yên Minh, người dùng ấn tượng với thức bánh dẻo thơm, hòa quyện với hương hoa Hồi, Thảo quả, khi ăn như cảm nhận được hương vị của núi rừng trong từng miếng bánh. Nhờ được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, tinh xảo trong chế biến, lựa chọn nguyên liệu, bánh Khảo Yên Minh khi ăn ít dính răng, không bị khô và có độ ngọt thanh. Phát huy văn hóa ẩm thực rất riêng của quê huơng, Hợp tác xã (HTX) Tân Thành (thị trấn Yên Minh) thời gian qua chủ trương đưa bánh Khảo trở thành hàng hóa, góp phần lan tỏa và tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch địa phương. Giám đốc HTX Nguyễn Thúy Loan cho biết: Với mong muốn phát huy bản sắc của địa phương, từ năm 2020, HTX tập trung liên kết trong sản xuất, tiêu thụ bánh Khảo với người dân. Trong đó, HTX tập trung đầu tư xây dựng mẫu mã, đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu Bánh Khảo Yên Minh. Trung bình mỗi tháng HTX đặt hàng người dân làm khoảng gần 50.000 cái bánh, doanh thu từ bán bánh Khảo tại Điểm dừng chân Yên Minh cho khách du lịch đạt 80 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, sản phẩm hiện được bán trên nhiều trang thương mại điện tử như: PostMart.vn, Phiên chợ khuyến nông…
Năm 2021, Bánh Khảo Yên Minh được chứng nhận đạt OCOP 2 sao, đây là bước đệm để sản phẩm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng và có cơ hội vươn xa ra nhiều thị trường. Trên cơ sở hiệu quả kinh tế, tiềm năng phát triển của sản phẩm này, huyện Yên Minh cần tiếp tục có phương án mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, HTX liên kết sản xuất và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: LINH CẦM