14:30, 04/12/2023
BHG – Nghị quyết HĐND tỉnh khi ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tính khả thi cao, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành tổ chức thực hiện. Nhiều nghị quyết không chỉ giải quyết những vấn đề “nóng”, “điểm nghẽn” bao trùm nhiều lĩnh vực được cử tri quan tâm mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.
“Cứu cánh” của vùng cam
Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Vũ Văn Hiếu khi nói đến Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.
Sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi giúp ông Hoàng Quyết Thắng (người đầu tiên), xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) nâng cao chất lượng cam Sành. |
Cam Sành được trồng tập trung tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, đã xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Niên vụ 2020 – 2021 ghi dấu thời kỳ hoàng kim của cây cam Sành với tổng diện tích hơn 7.000 ha, năng suất bình quân đạt 119 tạ/ha. Trong cơ cấu cây ăn quả có múi, cam Sành là cây trồng chủ lực, chiếm 82,4% tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh. Giá trị thực tế sản xuất thu được từ cam Sành lên đến vài trăm tỷ đồng/năm đã giúp nhiều nhà vườn vươn lên thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, từ cuối năm 2021 đến nay, cam Sành mắc bệnh vàng lá, khô đầu cành với tổng diện tích lên đến hơn 3.200 ha/3.657 hộ. Trong đó, hơn 1.000 ha cam suy thoái mức độ III không thể khắc phục được; trên 1.200 ha suy thoái mức độ II khó có thể khắc phục; gần 1.000 ha còn lại suy thoái mức độ I nhưng cây sinh trưởng, phát triển kém. Điều này không chỉ khiến diện tích cam suy giảm nhanh chóng từ hơn 7.000 ha xuống gần 3.800 ha mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong bối cảnh khó khăn ấy, Nghị quyết 58 HĐND tỉnh đi vào cuộc sống, trở thành “cứu cánh” của vùng cam với giá trị cốt lõi là nâng cao chất lượng, phát triển bền vững cây cam Sành theo tinh thần Nghị quyết 04, ngày 1.12.2020 của BTV Tỉnh ủy. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, Lê Tuấn Quang cho biết: Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh hơn 109,6 tỷ đồng để thực hiện chính sách đặc thù theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh. Trong đó, 225 hộ/9 xã được giải ngân số tiền gần 22,3 tỷ đồng để đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng đối với 381 ha cam Sành.
Ông Hoàng Quyết Thắng, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) chia sẻ: Áp dụng quy trình kỹ thuật trồng cam chưa chuẩn; không đảm bảo dinh dưỡng cho cây (do thiếu vốn hoặc ít chú trọng) là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm diện tích, chất lượng cam. Gia đình tôi có 8 ha cam Sành thì có đến 5 ha mắc bệnh vàng lá, khô đầu cành; 3 ha còn lại cơ bản không nhiễm bệnh. Lý giải về điều này, ông Thắng cho biết: “Năm 2021, gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay 180 triệu đồng từ Nghị quyết 58 HĐND tỉnh với lãi suất ưu đãi 0% trong thời hạn 36 tháng để đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng đối với 3 ha cam Sành. Chính bởi vậy, 3/8 ha cam Sành của tôi không nhiễm bệnh”.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Nghị quyết 58 đi vào cuộc sống đã và đang tạo cú hích để cam Sành phát triển bền vững, xứng tầm cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, cây làm giàu của nhân dân. Thực tế cho thấy, thu nhập từ các vườn được đầu tư nâng cao chất lượng cam Sành tăng gấp 2 – 3 lần so với trước khi đầu tư để đạt mốc thu nhập từ 82 – 115 triệu đồng/ha. Không những vậy, diện tích cam Sành được vay vốn đầu tư nâng cao chất lượng đều sinh trưởng, phát triển tốt, mẫu mã quả đẹp, đồng đều; tỷ lệ quả sẹo, loét, nhám giảm, tỷ lệ cam loại I lên đến 80%, độ ngọt được nâng lên, bình quân đạt 10,15%.
Đường lớn đã mở
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; ngày 22.3.2022, HĐND tỉnh kịp thời ban hành Nghị quyết 06 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 30, ngày 25.8.2022. Theo đó, giai đoạn 1, tuyến cao tốc có chiều dài 27,48 km, quy mô 4 làn xe, đi qua địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang; tổng mức đầu tư gần 3.200 tỷ đồng.
Thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, đoạn qua địa phận xã Quang Minh (Bắc Quang). |
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: Toàn huyện có 759 gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc diện thu hồi đất và tài sản trên đất để thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang với tổng diện tích trên 2,2 km2. Để góp phần đưa Nghị quyết 06 HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống, huyện Bắc Quang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng. Đến nay, đã bàn giao gần 25,5 km (đạt 92,65%) đoạn tuyến cho chủ đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Đáo, xã Quang Minh không giấu được niềm vui: “Thấy công trường đêm, ngày rộn vang tiếng máy, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Ước mong về một con đường lớn qua bao thế hệ giờ đã mở rồi! Để góp phần cùng các cấp, ngành hoàn thành dự án này, chúng tôi đã tích cực phối hợp thực hiện công tác bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tiến hành thuận lợi”.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, ngày 3.10.2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang. Trên cơ sở đó, tiến hành giám sát Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh và UBND huyện Bắc Quang. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh liên quan đến: Chủ trương đầu tư; thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Qua đó, Đoàn giám sát đã đánh giá khách quan kết quả, tiến độ Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung vượt thẩm quyền nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật và các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận trong nhân dân, Nghị quyết 06 HĐND tỉnh đang được thực thi hiệu quả trong thực tiễn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh ta hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai kết nối với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang); đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên vùng, nội vùng giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Đồng thời, mở ra bước ngoặt trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN và hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Có thể khẳng định, những nghị quyết trên của HĐND tỉnh chỉ là lát cắt nhỏ từ bức tranh tổng thể về tính khả thi, hiệu quả trong việc ban hành những quyết sách quan trọng của cơ quan dân cử. Song, đây cũng là minh chứng sinh động cho thấy chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh; khẳng định vai trò, vị thế cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG