10:09, 04/12/2023
BHG – Nghị quyết HĐND tỉnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức, bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, xây dựng chính quyền, quyết định vấn đề phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, đề ra chính sách nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, để những quyết sách thực sự đi vào cuộc sống, trường tồn cùng tiến trình phát triển của địa phương… đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết.
Kỳ 1: Kỳ vọng lớn nhưng… “vòng đời” ngắn
Nhiều nghị quyết HĐND khi ban hành được đánh giá là hay, mang theo kỳ vọng tạo đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, không ít nghị quyết rất khó triển khai thực hiện, thậm chí không thể đi vào cuộc sống mà rơi vào trạng thái “chết yểu”.
“Khai tử” nhiều nghị quyết
Kỳ vọng lớn nhưng “vòng đời” thì ngắn. Đó là thực trạng chung của không ít Nghị quyết HĐND tỉnh nhiệm 2016 – 2021 đã ban hành. Điển hình có thể kể đến Nghị quyết 35, ngày 21.7.2016 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ HĐND tỉnh trao đổi nghiệp vụ. |
Nghị quyết 35 có độ dài khoảng 2.700 chữ, quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước đối với hoạt động đầu tư khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Sự ra đời của nghị quyết được kỳ vọng tạo cú hích trong thực hiện mục tiêu đưa du lịch tỉnh nhà bứt phá, trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trên cơ sở đó, toàn tỉnh có 285 tổ chức, cá nhân được giải ngân số tiền hơn 24,6 tỷ đồng từ Nghị quyết 35 để đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, nhà hàng đạt chuẩn phục vụ du lịch và phát triển du lịch cộng đồng.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL): Nghị quyết 35 đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn, tự tin trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển ngành du lịch có chất lượng cao; tăng cường sinh kế cho người dân thông qua phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, các hợp tác xã mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch; các cơ sở lưu trú (homestay) sửa chữa nhà ở, cải tạo cảnh quan, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng hoạt động tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Chỉ sau hơn 3 năm được “khai sinh”, Nghị quyết 35 buộc phải “khai tử”. Trong đó, 2/6 nội dung hỗ trợ không thể triển khai thực hiện được. Cụ thể, với chính sách ưu đãi hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Nhà nước (tối đa 3 tỷ đồng/công trình, dự án) và chính sách hỗ trợ đầu tư khai thác du lịch hang động, Sở VHTT&DL đã hướng dẫn 3 doanh nghiệp các thủ tục hưởng chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, đến thời điểm bãi bỏ Nghị quyết 35, các dự án trên chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định nên không đảm bảo điều kiện thụ hưởng.
Chung số phận với Nghị quyết 35, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã ban hành Nghị quyết 34, ngày 11.12.2019, bãi bỏ toàn bộ 8 Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành trước đó. Thực tế này cho thấy, nhiều nghị quyết không thể phát huy sứ mệnh, kỳ vọng ban đầu. Trong đó, “vòng đời” Nghị quyết 29, ngày 7.12.2018 của HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh vỏn vẹn 1 năm. Còn Nghị quyết 120, ngày 8.12.2017 của HĐND tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết 85, ngày 14.7.2017 của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2025 chỉ kéo dài 2 năm rồi “khai tử”…
Nhận diện “lỗ hổng”
Du khách trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc tại Homestay Đồng Quê, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. |
Nhiều chuyên gia nhận định: Nếu nghị quyết HĐND được ký ban hành chỉ hay, tức là đúng về mặt văn phong, nội dung chỉn chu, mục tiêu sâu sắc, chỉ tiêu lý tưởng nhưng không trúng, không thiết thực, xa rời cuộc sống thì không thể làm tròn sứ mệnh “soi đường, dẫn lối” mà có thể tạo ra những “lỗ hổng”, “điểm mù”, trở thành nghị quyết “treo”, thậm chí “chết yểu”.
Theo đánh giá của Sở VHTT&DL: Nghị quyết 35 là chính sách đặc thù nên các tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện bước đầu còn lúng túng, chưa hiểu rõ cách thức làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Một số cán bộ chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu nghị quyết nên hướng dẫn cơ sở thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục. Mức hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn nên không thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư phát triển du lịch. Hơn nữa, một số điều của Nghị quyết 35 chưa chặt chẽ, trùng lắp, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện… Hạn chế, vướng mắc này cũng chính là nguyên nhân khiến Nghị quyết 35 không thể bén rễ sâu trong thực tiễn.
Còn trong Nghị quyết 34, Thường trực HĐND tỉnh nhận định rõ 4 nhóm nguyên nhân chính tạo ra “lỗ hổng”, “điểm mù”, buộc phải “khai tử”, đó là: Không còn phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, không phát huy hiệu quả; các căn cứ để ban hành nghị quyết hết hiệu lực thi hành; nghị quyết có ít đối tượng tiếp cận chính sách và đặc biệt, ngân sách của tỉnh hạn hẹp, không thể đảm bảo để kéo dài thời gian thực hiện. Trong đó, nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho thấy rõ thực trạng có nghị quyết nhưng không đủ nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu của nghị quyết.
Tại Nghị quyết 09, ngày 22.3.2022 của HĐND tỉnh ban hành Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 chỉ rõ: Việc thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh chủ yếu qua văn bản nên chất lượng thẩm tra, ban hành một số nghị quyết còn hạn chế. Một số nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh sau khi ban hành tính khả thi thấp, khó áp dụng vào thực tiễn, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần; dự báo nguồn lực thực hiện chưa sát với thực tế. Một số dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh gửi về Thường trực HĐND tỉnh chưa đầy đủ các tài liệu liên quan, không đảm bảo thời gian để các Ban HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra và chất lượng nghị quyết được ban hành. Hơn nữa, một số đại biểu chưa dành thời gian thỏa đáng nghiên cứu tài liệu, ngại phát biểu, ít tham gia ý kiến thảo luận hoặc ý kiến không sâu nên chưa phát huy tối đa trí tuệ vào các quyết sách của HĐND tỉnh tại kỳ họp. Thêm vào đó, không ít nghị quyết khi ban hành nhưng không kèm theo hướng dẫn, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghị quyết thiếu tính khả thi, không phát huy hiệu quả do việc đề xuất chính sách mới dừng ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, chưa xuất phát từ thực tiễn, mang “hơi thở” cuộc sống. Do đó, đổi mới, nâng cao chất lượng là yếu tố sống còn để nghị quyết HĐND sớm đi vào cuộc sống.
————-
Kỳ 2: Lấy chất lượng, tính khả thi làm trọng
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG