13:30, 17/09/2023
BHG – Sáng 17.9, tại huyện Hoàng Su Phì, Nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” gắn với công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023. Tham dự có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo UBND và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch trong và ngoài nước…
Toàn cảnh hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long nhấn mạnh: Vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang, trong đó 3 địa danh là huyện Mù Căng Chải có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì gần 765 ha và Sa Pa gần 1.000 ha đã được công nhận là Danh thắng cấp Quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết, phát triển du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tích cực tham gia ý kiến, đề xuất các giải pháp để phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu khai mạc hội thảo. |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 14/25 hoạt động; thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng. Đến nay, các tỉnh, thành phố Nhóm hợp tác đã từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh như: Tour Bản Hùng ca Tây Bắc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Sa Pa (Lào Cai) – Hà Giang. Tour Hương sắc vùng cao kết nối Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Bắc Hà (Lào Cai) – Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang).
Đồng chí Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định ruộng bậc thang khu vực Tây Bắc có vẻ đẹp độc đáo, kỳ vỹ, kết tinh từ văn hóa và lao động của con người vùng cao. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang như: Xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tới du khách trong và ngoài nước…
Ông Kenneth Wood, Giám đốc Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam tham luận tại hội thảo. |
Hội nghị đã tiến hành công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023 gồm: Về miền di sản ruộng bậc thang câu chuyện “Người dệt thổ cẩm giữa trời Tây Bắc’ và Ngược dòng sông Đà về miền ký ức câu chuyện “Người giữ hồn Tây Bắc”.
Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo. |
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023. |
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG