10:55, 29/11/2023
BHG – Là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, HĐND các xã, phường, thị trấn có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động HĐND cấp xã đang bộc lộ những khó khăn, hạn chế, cần một cuộc “cách mạng” để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, trong đó đảm bảo “3C – 4T – 4N” (chủ động, chu đáo, chuyển đổi số – tươm tất, thân thiện, thời gian,trí tuệ – nói, nghe, nhìn, nhận).
Kỳ 1: Nhìn thẳng, nói thật
Tổ chức kỳ họp hình thức, nghị quyết được ban hành chưa phù hợp thực tiễn; hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT), giám sát chung chung, thiếu trọng tâm, giải quyết kiến nghị của cử tri chưa triệt để; điều kiện hoạt động khó khăn; trình độ, năng lực đại biểu hạn chế… là thực trạng hoạt động của nhiều HĐND cấp xã hiện nay, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và củng cố chính quyền ở cơ sở, phai nhạt niềm tin của nhân dân.
Nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động
Các đại biểu HĐND cấp xã tham gia tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động. |
Nhiệm kỳ 2021 – 2026, cử tri toàn tỉnh đã bầu được 4.054 đại biểu HĐND cấp xã, trong đó đại biểu nữ chiếm 33,25%, đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 85,5%, đại biểu trẻ dưới 40 tuổi chiếm 56,22%, đại biểu tái cử chiếm 46,2%. Đến nay, do thay đổi vị trí công tác, miễn nhiệm, nghỉ hưu nên đại biểu HĐND xã giảm xuống còn 3.929 người.
Trực tiếp tham dự kỳ họp của một số HĐND xã, điều dễ nhận thấy là việc tổ chức kỳ họp khá hình thức, cứng nhắc, chủ tọa điều hành kỳ họp chưa linh hoạt, lúng túng khi có tình huống phát sinh; hoạt động thảo luận, chất vấn tại kỳ họp không sôi nổi, nhiều đại biểu thụ động, không tham gia hoặc tham gia chất vấn không có trọng tâm, không truy đến cùng sự việc. Thực tế, kỳ họp chất lượng chưa cao do quá trình chuẩn bị chưa chu đáo, việc phân công nhiệm vụ, chuẩn bị tài liệu, báo cáo, thẩm tra văn bản trình kỳ họp chưa kỹ càng, một số văn bản trình tại kỳ họp chưa đảm bảo chất lượng cả về nội dung và thể thức trình bày; các đại biểu chưa dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thông tin để thảo luận, đề xuất giải pháp phù hợp mà hoạt động dựa trên kinh nghiệm, chủ quan và ỷ lại vào tập thể, việc phản biện các vấn đề xã hội chưa được chú trọng.
Chất lượng hoạt động TXCT, giám sát của HĐND xã chưa cao. Chức năng giám sát vẫn tập trung vào Thường trực HĐND, qua giám sát chưa chỉ rõ được tồn tại, hạn chế của đơn vị chịu sự giám sát, nhiều kiến nghị thông qua hoạt động giám sát chưa được quan tâm giải quyết kịp thời; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế. Một số đại biểu ngại va chạm, chưa dành thời gian nghiên cứu, nắm bắt các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như tình hình đời sống của nhân dân, nên khi TXCT không trả lời, giải đáp được các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của cấp xã. Bên cạnh đó, bộ phận giúp việc cho HĐND cấp xã thường xuyên có sự thay đổi dẫn đến chưa nắm vững, thông thạo các nội dung công việc theo yêu cầu. Một số nghị quyết nội dung còn chung chung, thiếu tính chặt chẽ, thiếu căn cứ pháp lý; số liệu thống kê không chuẩn xác; các đánh giá, phân tích còn thiếu tính thuyết phục; các thông tin trong nội dung dự thảo nghị quyết mới chỉ dừng lại ở những con số thống kê; chỉ tiêu đưa ra chưa dự báo được chính xác xu hướng phát triển và nguồn lực. Ngoài ra, hoạt động ở địa bàn có nhiều khó khăn về giao thông, KT – XH, tập quán lạc hậu, trình độ dân trí chưa đồng đều, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã.
Năng lực đại biểu hạn chế
Lãnh đạo HĐND xã Linh Hồ (Vị Xuyên) kiểm tra mô hình trồng cây Giang của người dân. |
Đi tìm nguyên nhân cho những hạn chế nêu trên, dễ dàng nhận thấy, ở đâu đại biểu HĐND năng động, trách nhiệm, cầu thị, gần dân, sát dân, lắng nghe dân thì ở đó, chất lượng hoạt động của HĐND được nâng cao. Chủ tịch HĐND xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) Giàng Thị Chu chia sẻ: “Là xã giáp biên, phần lớn đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số, sinh sống ở địa bàn có điều kiện KT – XH khó khăn, việc tiếp tận thông tin, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng không được thường xuyên, dẫn đến hoạt động bị thụ động, đặc biệt khả năng quyết định các vấn đề cần có chuyên môn như xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế. Ngoài ra, nhiều đại biểu phải kiêm nhiệm các công việc khác nên thời gian thu thập và phân tích thông tin còn hạn chế, chưa tập trung nghiên cứu kỹ tài liệu về lĩnh vực chuẩn bị giám sát, chưa chủ động, tích cực trong việc tham gia thảo luận và chất vấn tại các kỳ họp, tình trạng đại biểu nể nang, ngại va chạm vẫn còn dẫn đến chất lượng giám sát chưa cao; hoạt động TXCT còn hình thức, chưa phản ánh được hết ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND huyện Quang Bình Nguyễn Công Sự thẳng thắn đánh giá: Nhiệm kỳ 2021 – 2026, mặc dù chất lượng đại biểu đã được quan tâm chú trọng, tuy nhiên năng lực của một số đại biểu vẫn chưa đáp ứng tốt vị trí, vai trò của mình, nhất là năng lực phản biện. Vai trò đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân trong một số trường hợp cụ thể chưa thể hiện rõ; tinh thần, trách nhiệm thảo luận, chất vấn tại kỳ họp chưa cao, công tác điều hành của chủ tọa chưa linh hoạt”.
Nhìn chung, các đại biểu HĐND xã trên địa bàn tỉnh thực hiện khá đầy đủ trách nhiệm, tham gia vào các hoạt động của HĐND hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu dân cử tại địa phương. Tuy nhiên qua khảo sát, đánh giá thực tế, đại biểu HĐND cấp xã còn bộc lộ nhiều hạn chế: Việc nghiên cứu, xem xét thực hiện chức năng quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền HĐND chưa sâu; việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về KT – XH, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản còn lúng túng; chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, hầu hết đại biểu HĐND có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác đều kiêm nhiệm và giữ các cương vị chủ chốt trong Đảng ủy, UBND, các đoàn thể nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều. Một số ít đại năng lực, kỹ năng tiếp xúc, đối thoại hạn chế, thiếu bản lĩnh, ngại va chạm; có đại biểu chậm nắm bắt và chuyển tải kịp thời kiến nghị của cử tri với cơ quan chức năng.
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có giải pháp đồng bộ để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
—————
Kỳ 2: Gỡ “nút thắt”
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN