15:03, 27/11/2023
BHG – Sáng 27.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia một số ý kiến vào dự thảo luật này.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CTV |
Đại biểu Tráng A Dương cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi và nhất trí với các nội dung trong dự thảo luật. Đại biểu cho rằng việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định xây dựng, phát triển thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô 2012.
Với 9 nhóm chính sách được đưa ra, đại biểu đánh giá dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề xuất những chính sách đặc thù, vượt trội, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thủ đô. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa các quy định, chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khó tránh khỏi sự xung đột với các văn bản pháp luật hiện nay và tương lai.
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tại phiên họp sáng 27.11. Ảnh: CTV |
Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Tráng A Dương đề nghị: Tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác so với quy định về cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực.
Tại khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định cơ chế mới, có tính đặc thù, khác so với nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là “không đương nhiên áp dụng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau nếu có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng vấn đề”. Trong trường hợp này, theo đại biểu, việc áp dụng quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) hay áp dụng quy định của luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau phải được xác định cụ thể ngay trong từng luật, nghị quyết đó.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: CTV |
Đối với quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tại khoản 2 Điều 55 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): “Khi xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội thì phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô thì phải thống nhất ý kiến với chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xác định việc áp dụng quy định này theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo luật, nghị quyết đó.” Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đảm bảo thực thi nội dung này, trong trường hợp giữa các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không thống nhất ý kiến được với chính quyền thành phố Hà Nội thì xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc một cơ quan nào đó quyết định.
Đối với quy định về điểm b, khoản 2, Điều 34: “Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”. Đại biểu đề nghị cân nhắc khi đưa quy định này vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bởi đây là một trong những nội dung gây ra tranh luận khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đưa ra báo cáo Chính phủ về nội dung còn có ý kiến khác nhau và cũng là phương án không được lựa chọn.
Theo đại biểu Tráng A Dương, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác. Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Ngoài ra, theo đại biểu, đây là quan hệ pháp luật hành chính trong khi lại sử dụng biện pháp dân sự để giải quyết quan hệ pháp luật hành chính là can thiệp không phù hợp vào quan hệ pháp luật dân sự và cũng không bảo đảm tính nhân văn. Trong nhiều trường hợp việc áp dụng này ảnh hưởng đến đời sống, quyền dân sự, lợi ích chính đáng của cá nhân.
Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương cho rằng không nên quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Đại biểu cũng đề nghị, đối với chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại điểm a khoản 3 Điều 28, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định đối tượng “phụ nữ thuộc hộ cận nghèo dân tộc thiểu số” được hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế. Theo đại biểu, việc bổ sung thêm đối tượng “phụ nữ thuộc hộ cận nghèo dân tộc thiểu số” bởi theo thống kê hiện nay Thành phố Hà Nội có gần 180 nghìn người dân tộc thiểu số với 50 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố, chênh lệch mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của Thành phố còn có khoảng cách khá lớn.
Duy Tuấn (tổng hợp)