16:54, 06/11/2024
BHG – Sáng 6.11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: CTV |
Đóng góp ý kiến vào dự án luật này, đại biểu Hoàng Ngọc Định đoàn Hà Giang cho biết: Dự thảo luật quy định nhiều nội dung phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế phát sinh trong thực tiễn tổ chức thực hiện như: Phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C từ HĐND các cấp cho UBND các cấp (Điều 18 dự thảo luật); Phân cấp thẩm quyền quyết định bố trí vốn NSĐP từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp (điểm b, khoản 2, Điều 58 dự thảo luật); Phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý từ HĐND các cấp cho UBND các cấp (khoản 8 điều 74 dự thảo luật); Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn NSĐP từ HĐND cấp tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp (khoản 3, Điều 75 dự thảo luật).
Việc đổi mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, trình tự thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách có nêu, do thời gian gấp, phạm vi sửa đổi lớn, Chính phủ mới chỉ lấy ý kiến các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, chưa lấy ý kiến HĐND là đối tượng chịu tác động lớn của dự án luật (trong khi dự thảo luật phân cấp thẩm quyền nhiều nội dung là sự thay đổi lớn từ HĐND cho UBND; có thẩm quyền là chức năng của HĐND lại phân cấp cho UBND). Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu lấy ý kiến của HĐND các địa phương về các quy định phân cấp thẩm quyền và các nội dung có liên quan trong dự thảo luật; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát khi đẩy mạnh thực hiện phân cấp đầu tư công; quy định chặt chẽ, tránh tình trạng quyết định đầu tư các dự án thiếu hiệu quả, thời gian thực hiện kéo dài, gây thất thoát, lãng phí; bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng quy định phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện của các địa phương, đơn vị để không phát sinh sai sót, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện.
Liên quan đến nội dung quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên (Điều 30 dự thảo luật). Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung quy định trong trường hợp khi UBND các tỉnh có liên quan đến dự án đầu tư không thống nhất được phương án giao 1 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, dự thảo luật cần bổ sung thêm một khoản: “giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và quy định trình tự, thủ tục” cụ thể để thuận lợi triển khai trong thực tiễn.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định tương tự như vậy đối với trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên (quy định tại Điều 31 dự thảo luật).
Duy Tuấn (tổng hợp)
Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202411/dai-bieu-hoang-ngoc-dinh-de-xuat-hoan-thien-cac-co-che-kiem-soat-khi-day-manh-thuc-hien-phan-cap-dau-tu-cong-6b163c7/