10:12, 21/11/2023
BHG – Những năm gần đây, ngành Du lịch của tỉnh đang có những bước chuyển mạnh mẽ. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, các cấp chính quyền, ngành chuyên môn của tỉnh đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút du khách với những cách triển khai mang đậm dấu ấn, bản sắc của mỗi địa phương.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế có sẵn, tỉnh ta đã chỉ đạo các huyện, thành phố phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh – về nguồn, du lịch thể thao – mạo hiểm, du lịch cộng đồng… Điển hình như với loại hình du lịch tâm linh – về nguồn, tỉnh ta có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Quảng trường 26/3, đây là công trình lưu giữ thời khắc lịch sử khi Bác Hồ lên thăm đồng bào các dân tộc Hà Giang vào ngày 26.3.1961; Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ tại điểm cao 468 xã Thanh Thủy (Vị Xuyên); Di tích lịch sử cấp quốc gia Căng Bắc Mê; Cột cờ Quốc gia Lũng Cú… Đây là những “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho người dân và du khách.
Hiện nay, tỉnh ta đang liên kết với các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc thực hiện các tour du lịch về nguồn hấp dẫn như: “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”; “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”; “Hành quân theo bước chân anh”… Tham gia các tour du lịch này, du khách được tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu sâu hơn về những năm tháng kháng chiến hào hùng của thế hệ đi trước, từ đó giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước trong mỗi người; trở thành sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì khảo sát tour du lịch khám phá đỉnh Chiêu Lầu Thi. |
Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những dãy núi cao hùng vĩ như dãy Tây Côn Lĩnh, đỉnh Chiêu Lầu Thi cùng các dòng sông, con suối uốn lượn như dải lụa, Hà Giang có tiềm năng lớn trong việc phát triển loại hình du lịch thể thao – mạo hiểm với hành trình băng rừng, vượt suối, qua những địa hình hiểm trở để khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, mang đến cảm giác thích thú cho người tham gia. Anh Trần Quang Hưng, du khách đến từ Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Là một người ưa thích mạo hiểm, khám phá, đến với Hà Giang lần này tôi lựa chọn đi bộ leo núi, chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, nơi được coi là nóc nhà của vùng núi Đông Bắc Việt Nam. Để chinh phục dãy núi cao hơn 2.000 m này, tôi và đoàn leo núi đã mất khoảng 2 ngày để di chuyển, hành trình tương đối gian nan nhưng để lại vô vàn trải nghiệm mới mẻ. Những khu rừng nguyên sinh nhiều tầng, rất nhiều loài cây quý hiếm, những thảm đất ngập lá vàng rơi, cùng tiếng hót líu lo của các loài chim và sắc màu rực rỡ của những loại hoa rừng… đem đến cho chúng tôi một hành trình vô cùng thú vị”.
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã tiến hành khảo sát và thử nghiệm một số sản phẩm du lịch mạo hiểm như: Đua xe mô tô, ô tô địa hình đồi dốc và lòng suối tại huyện Yên Minh, huyện Hoàng Su Phì; chèo thuyền Kayak trên sông Nho Quế; bay dù lượn ở các huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh; khám phá hang Khố Mỷ, động Lùng Khúy (Quản Bạ); hang Khun (Quang Bình)… góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến với Hà Giang.
Giải đua xe ô tô địa hình trên lòng sông Chảy (Hoàng Su Phì) thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem và cổ vũ. |
Là mảnh đất đa sắc màu văn hóa, với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng đã tạo nên sức hấp dẫn đối với những du khách đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống. Từ lợi thế này, các huyện, thành phố đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, chú trọng đầu tư, khuyến khích các hộ đủ điều kiện phát triển dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch. Hiện, toàn tỉnh có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng và có 16 làng văn hóa được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chú trọng triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng; tham mưu cho UBND tỉnh và các địa phương đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Một số mô hình hiện được đầu tư theo hướng chất lượng cao hình thành hệ thống bungalow, khu nghỉ dưỡng mini gắn với du lịch cộng đồng tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Điển hình có thể kể đến các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng (Hoàng Su Phì), Lô Lô Chải (Đồng Văn), Pả Vi Hạ (Mèo Vạc), Nặm Đăm (Quản Bạ)…
Dựa trên tài nguyên lịch sử, văn hóa, phong cảnh thiên nhiên sẵn có, cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn của tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương, hướng đến xây dựng mỗi huyện, thành phố một sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát triển ngành “công nghiệp không khói”, thúc đẩy KT-XH của tỉnh.
Bài, ảnh: YÊN HOA