09:19, 29/09/2023
BHG – Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, huyện Quản Bạ đã hỗ trợ các hộ nghèo thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết, bao tiêu đầu ra sản phẩm. Từ đó, giúp nhiều hộ nắm bắt được khoa học kỹ thuật trong sản xuất và cho thu nhập khá, nâng cao đời sống gia đình.
Ông Tẩn Dâu Quẩy, dân tộc Dao là hộ nghèo ở thôn Dìn Sán rất vui vì vụ dưa đầu tiên đã được thu hoạch. Năm nay, gia đình ông tham gia dự án trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết do huyện Quản Bạ hỗ trợ. Ông Quẩy cho biết: “Trồng dưa chuột gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 10,8 triệu đồng để trồng 0,5 ha. Nhà tôi bỏ thêm kinh phí đầu tư 5 triệu đồng để trồng giống dưa G7 cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và thị trường. Tham gia dự án trồng dưa, tôi được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Sau hơn 2 tháng, cây dưa cho thu hoạch với giá 5 nghìn đồng/kg. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, trừ các chi phí gia đình tôi thu nhập 84 triệu đồng. Thấy hiệu quả của việc trồng dưa chuột, tôi đã đầu tư để mở rộng diện tích vào vụ sau”.
Người dân thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thu hoạch dưa chuột. |
Tương tự như hộ ông Quẩy, hộ anh Thào Vần Chảo, dân tộc Mông ở thôn Dìn Sán cũng đăng ký tham gia vào dự án trồng dưa chuột liên kết với diện tích 0,5 ha và cho thu nhập khá. Năm nay thôn Dìn Sán có 13 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo được tham gia vào dự án trồng dưa chuột liên kết theo chuỗi giá trị, với quy mô 5,05 ha. Các hộ được hỗ trợ 100% giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), với tổng kinh phí hỗ trợ trên 109 triệu đồng, định mức hỗ trợ là 21,6 triệu đồng/ha. Các hộ tham gia dự án đối ứng bằng đất sản xuất, công lao động, phân chuồng và các điều kiện cần thiết đề sản xuất đạt hiệu quả. Sau thu hoạch, Nhà nước thu hồi 20% kinh phí đầu tư là 21,8 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, Nguyễn Văn Tuân cho biết: Ngay sau khi nhận được chủ trương, quyết định phân bổ vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia của UBND huyện, UBND xã đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tham mưu, tổ chức họp thôn, hướng dẫn, định hướng cho nhân dân lựa chọn, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp, phát huy lợi thế của địa phương, đảm bảo đúng quy định, định hướng phát triển sản xuất của tỉnh, huyện. Sau thời gian thực hiện dự án từ đầu tháng 5 đến tháng 7, cây dưa chuột cho năng suất 40 tấn/ha, sản lượng đạt 202 tấn. Qua đánh giá thực tế một số hộ có thu nhập trên 84 triệu đồng/0,5ha/vụ. Ngoài diện tích đăng ký còn có một số hộ tham gia dự án tự đầu tư vào trồng thêm để tăng nguồn thu nhập cho gia đình như hộ gia đình ông Tẩn Dâu Quẩy. Với kết quả trên cho thấy hiệu quả của dự án trồng dưa chuột đem lại giá trị kinh tế cao gấp 4 lần so với một số cây trồng truyền thống.
Dự án đã khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo sinh kế cho các hộ dân. Do được hướng dẫn, tư vấn và giám sát về kỹ thuật nên nhận thức của người sản xuất về sử dụng các loại thuốc BVTV đã được cải thiện. Giảm thiểu đáng kể tác động của các loại thuốc BVTV đến môi trường. Góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống người dân trong vùng dự án và tạo ra các sản phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng.
Bài, ảnh: LÊ HẢI