13:13, 22/07/2023
BHG – Nhằm phấn đấu thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo cân đối nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương năm 2023, tỉnh ta đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt. Trên cơ sở đó, kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.
Nhận diện khó khăn
Hợp tác xã Sản xuất và phân phối bánh chưng Gù truyền thống thôn Chang, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách. |
Năm 2023, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh được T.Ư giao là 2.226 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao là 3.000 tỷ đồng. Trong đó, thu NSNN từ tiền sử dụng đất được T.Ư giao là 300 tỷ đồng (chiếm 13,4% dự toán giao), HĐND tỉnh giao là 800 tỷ đồng (chiếm 26,6% dự toán giao).
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 7.2023, thu NSNN trên địa bàn mới đạt 845,4 tỷ đồng, bằng 37,3% kế hoạch T.Ư giao và 28,2% kế hoạch tỉnh giao (giảm 20,9% so với cùng kỳ). Trong tổng số 16 khoản thu, sắc thuế thì chỉ có 3 khoản thu, sắc thuế đạt trên 50%, 3 khoản thu, sắc thuế đạt từ 40 – 45%, còn lại 10 khoản thu, sắc thuế đạt dưới 40% so với kế hoạch. Giá trị thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh mới thực hiện được hơn 38 tỷ đồng, đạt 12,6% dự toán T.Ư giao và 4,75% dự toán HĐND tỉnh giao… Mặc dù ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thu tiền sử dụng đất, song do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động nên số thu tiền từ sử dụng đất còn hạn chế, chậm tiến độ. Trong đó, thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều cơ sở nhà đất đã hoàn thành thủ tục đấu giá, thậm chí đấu giá nhiều lần nhưng không có khách hàng tham gia. Thêm vào đó, một số dự án đầu tư chưa đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng; trụ sở có phương án bán sau dôi dư thiếu đồng bộ về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… Hiện nay, tỉnh ta mới hoàn thành bán đấu giá 4 cơ sở nhà, đất với số tiền trúng đấu giá là 7,2 tỷ đồng.
Cùng với khó khăn trên, nhiều địa bàn có nguy cơ hụt thu NSNN. Bởi hiện nay, toàn tỉnh mới có 2/11 huyện, thành phố có kết quả thu NSNN đạt trên 40% so với kế hoạch là Bắc Quang (54,7%), Hoàng Su Phì (40,2%); các huyện còn lại mới đạt từ 12% – 28,6%. Hơn nữa, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỉnh ta đang đối diện với không ít khó khăn làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thu NSNN. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2.760 lượt tổ chức, cá nhân, người nộp thuế nghỉ kinh doanh (tạm nghỉ, ngừng hoạt động, đóng mã số thuế), gồm: 211 doanh nghiệp, hợp tác xã; 2.526 hộ kinh doanh (tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022). Mặt khác, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, tỉnh ta đã thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế theo quy định của Quốc hội và Chính phủ cho các doanh nghiệp với số tiền 108,7 tỷ đồng; thực hiện khoanh nợ 6,7 tỷ đồng cho 60 người nộp thuế.
Ngoài ra, công suất phát điện của các nhà máy thủy điện thấp do mưa ít, lượng nước không đảm bảo; một số doanh nghiệp thực hiện bảo trì, bảo dưỡng làm tăng chi phí, kê khai thuế giảm so cùng kỳ. Đơn cử như các Nhà máy Thủy điện Nho Quế 2, 3, Thái An, Thuận Hòa giảm từ 51,2% – 70% kê khai thuế, tương đương số tiền nộp giảm từ 7 – 17 tỷ đồng/đơn vị…
Chủ động điều hành ngân sách
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Bắc Quang – Quang Bình nắm bắt tình hình hoạt động tại Công ty TNHH MTV Hùng Lan, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang). |
Bám sát chủ đề điều hành năm 2023 của Chính phủ là: “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”; tỉnh ta đã chủ động trong điều hành ngân sách, linh hoạt cân đối nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và an sinh xã hội.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan liên quan: Thực hiện nghiêm công tác quản lý thu NSNN; thường xuyên đánh giá, phân tích từng khoản thu, sắc thuế và địa bàn; dự báo những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu, khoản hụt thu, có giải pháp khai thác nguồn thu còn tiềm năng để bù đắp các khoản thu, sắc thuế dự kiến không đạt dự toán do tác động bởi cơ chế, chính sách. Đồng thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đôn đốc thu nợ và nộp thuế phát sinh; khảo sát, đánh giá lại doanh thu thuế khoán của các hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch đảm bảo sát thực tiễn. Mặt khác, đẩy mạnh việc triển khai hóa đơn điện tử, cải cách hành chính và đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục về thuế, hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế hoạt động thông quan hàng hóa; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan, chống thất thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu…
Bên cạnh các giải pháp quản lý thu NSNN, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý, điều hành công tác chi ngân sách theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng chi ngân sách địa phương là 9.121 tỷ đồng, đạt 39,5% so với kế hoạch; trong đó, chi cho đầu tư phát triển đạt 27,7% và chi thường xuyên đạt 43,3% so với kế hoạch. Đặc biệt, UBND tỉnh đã bố trí 223 tỷ đồng mua xi măng hỗ trợ các xã làm đường giao thông nông thôn, thực hiện chương trình chuyển đổi số và các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; bố trí hơn 430 tỷ đồng để thực hiện các chế độ, chính sách, định mức chi do HĐND tỉnh ban hành; ủy thác 24,5 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định của Luật Đầu tư công, ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm như: Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang; đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang; cải tạo, nâng cấp tuyến đường Bắc Quang – Xín Mần, Yên Bình – Cốc Pài…
Cùng với những giải pháp trên, để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính, NSNN năm 2023 ở mức cao nhất, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, tạo nền tảng vững chắc hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; hiện nay, tỉnh ta đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư xã hội. Qua đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG