15:12, 30/10/2023
BHG – Với những dãy núi có độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 m, từ nhiều năm qua người dân xã Tả Ván (Quản Bạ) đã trồng chè trên các sườn núi cao. Những búp chè ngậm sương tươi mát mang đậm tinh hoa đất trời, đã tạo ra loại thức uống làm say đắm lòng người thưởng trà.
Nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ hơn 25 km, xã Tả Ván từ lâu nổi tiếng là vùng chuyên canh chè hàng đầu của huyện với nhiều cây chè Shan tuyết cổ thụ. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn của địa phương, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất chè.
Hiện cây chè là một trong những cây giảm nghèo của người dân Tả Ván. |
Chúng tôi đến Tả Ván vào những ngày trời se lạnh đầu Đông. Thời điểm này, người dân đang bước vào vụ thu hoạch chè Thu – Đông năm 2023. Đây là lứa chè cuối trong năm, tuy sản lượng chưa nhiều xong nhờ thời tiết thuận lợi, giá thành ổn định, đã mang lại nguồn thu nhập cho người trồng chè. Chè Shan tuyết thường được thu hoạch từ 3 đến 4 lần trong năm, với hương vị đặc biệt thơm ngon, búp chè sau một mùa Đông lạnh giá, ấp ủ chồi non đợi đến mùa Xuân nảy lộc sẽ cho thu hoạch vụ chè đầu tiên vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, vụ đầu tiên thường cho chất lượng tốt nhất khi Xuân tới, khi thưởng thức nếu tinh ý sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt được kết tinh từ vùng núi nơi đây, mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt chát thoáng nơi đầu lưỡi để rồi người thưởng trà lưu luyến mãi dư vị đọng lại sau khi thưởng thức. Vụ tiếp theo sẽ được người dân thu hoạch vào tháng 5 và tháng 6, đây là vụ sẽ cho năng suất cao nhất trong năm. Vụ thứ ba thu hoạch vào tháng 8 và vụ cuối cùng sẽ được tiến hành thu hoạch vào tháng 10 và 11.
Anh Vàng Hồ Thắng, Phó Bí thư Đoàn xã Tả Ván chia sẻ: “Gia đình tôi có vài chục cây chè Shan tuyết cổ thụ đang độ thu hoạch. Hiện, gia đình tôi đang tập trung nhân lực để hái đúng vụ chè, đảm bảo cây chè sau thu hoạch sẽ tiếp tục phát triển. Nhờ những gốc chè Shan cổ thụ nơi đây nên nhiều năm qua sinh kế của nhân dân trong xã phần nào được đảm bảo, mang lại nguồn thu nhập thêm cho các gia đình, hiện nay trung bình 1 kg chè tươi chúng tôi bán ra thị trường với mức giá từ 20 – 60 nghìn đồng tùy từng loại và từng thời điểm”.
Theo đó, để tiếp tục phát huy thế mạnh từ sản xuất chè trên địa bàn, UBND xã Tả Ván đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân các thôn trong xã, tích cực trồng chè có chất lượng, theo hướng canh tác hữu cơ, bền vững.
Cùng với đó là sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ Huyện đoàn Quản Bạ trong việc quảng bá các sản phẩm chè của địa phương thông qua các buổi triển lãm, trưng bày sản phẩm nông sản của địa phương, quảng bá trên các nền tảng số như Facebook, Zalo…. Nhằm đưa cây chè Shan tuyết của Tả Ván trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở Quản Bạ, góp phần quảng bá hình ảnh cũng như tìm đầu ra cho các sản phẩm chè nơi đây.
Ông Vương Ngọc Tẩn, Phó Bí thư Thường trực xã Tả Ván cho biết: “Toàn xã hiện nay có tổng diện tích chè Shan tuyết là 88 ha, phân bố chủ yếu tại các thôn của xã và nhiều nhất tại thôn Tả Ván và thôn Chúng Trải. Khi thu hoạch, người dân thường phải chèo lên cao, thu hái những búp chè tươi non nhất để chế biến thành phẩm. Về chất lượng của chè Shan tuyết xã Tả Ván được các công ty chuyên chế biến chè đánh giá chất lượng tốt, vị chè ngon, đậm vị ngọt của sương sớm. Từ những hiệu quả của cây chè Shan tuyết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu về việc bảo vệ, chăm sóc các gốc chè cổ thụ, đồng thời trồng bổ sung các diện tích chè mới mỗi năm là 5 ha. Phấn đấu đến năm 2025, toàn xã sẽ nâng tổng diện tích chè Shan tuyết lên 120 ha”.
Hiện tại cấp ủy, chính quyền xã Tả Ván đang triển khai nội dung xây dựng HTX chế biến chè quy mô khép kín, hướng tới phát triển chè Shan tuyết cổ thụ thành sản phẩm OCOP của địa phương trong nhiệm kỳ 2020- 2025. Tương lai không xa Tả Ván sẽ xây dựng được thương hiệu chè Shan có sức cạnh tranh trên thị trường chè trong nước và quốc tế.
Bài, ảnh: NGUYỄN YẾM