08:45, 24/08/2023
BHG – Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một hệ sinh thái rừng đa dạng với nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những năm gần đây, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) luôn quan tâm triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế từ cây chè.
Nằm cách trung tâm huyện Vị Xuyên hơn 15 km, xã Cao Bồ từ lâu nổi tiếng là vùng chuyên canh chè hàng đầu của tỉnh với nhiều cây chè Shan tuyết cổ thụ, được người dân quan tâm đầu tư, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, vừa đảm bảo an toàn, vừa lưu giữ được hương vị đặc trưng, mang tính khác biệt và đã tạo được thương hiệu, có mặt tại nhiều thị trường. Chè Cao Bồ nổi tiếng có màu nước đẹp, khi pha có màu xanh nhạt quyện lẫn màu vàng nhạt như mật ong rừng, hương thơm quyến rũ. Nước chè thơm, để lại vị ngọt lâu trong miệng sau khi uống…
Các cô gái dân tộc Dao thôn Lùng Tao hái chè Shan tuyết. |
Hiện, Cao Bồ có hơn 1.000 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch 757 ha; sản lượng năm 2022 ước đạt 1.180 tấn. Trên địa bàn xã hiện có 3 HTX sản xuất, chế biến chè; trong đó có 1 sản phẩm chè Vàng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; có Công ty Cổ phần trà Hữu cơ Cao Bồ và 9 cơ sở sản xuất chế biến chè của tư nhân; các cơ sở hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trao đổi với phóng viên, anh Đặng Văn Quang, một hộ dân tham gia sản xuất cho HTX chè Shan tuyết Cao Bồ cho hay: “Từ khi tham gia HTX, sản phẩm được bao tiêu ổn định. Trung bình mỗi tháng đem lại thu nhập từ 7-12 triệu đồng”.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển cây chè theo hướng bền vững, Cao Bồ đang đứng trước những thách thức không nhỏ, nhất là nguy cơ thoái hóa một số giống chè truyền thống; chất lượng cây giống chưa bảo đảm trong mở rộng diện tích chè; số ít người dân chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu phát triển chè sạch, chè an toàn; công nghệ chế biến các sản phẩm chè chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Theo đó, để tiếp tục phát huy thế mạnh từ sản xuất chè, UBND xã Cao Bồ tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân các thôn trong xã, tích cực tham gia sản xuất, trồng chè có chất lượng, theo hướng canh tác hữu cơ, bền vững. Đồng thời, cán bộ khuyến nông xã chủ động phối hợp với các thôn, bản đảm bảo đủ giống chè đạt chất lượng cho nhu cầu trồng năm 2023. Đảm bảo 100% diện tích chè kinh doanh áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả trong thâm canh. Hướng dẫn chăm sóc thu hái chè theo đúng quy trình trồng, thâm canh, chăm sóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng khâu bảo quản và vận chuyển nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt phục vụ chế biến.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh chè, nâng cao chất lượng chè búp tươi, chế biến chè chất lượng, giá trị cao. Tích cực đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bao bì, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại để vừa phát triển thị trường trong nước, vừa mở rộng xuất khẩu chè sang những thị trường cao cấp. Qua đó, khai thác tốt các tiềm năng sẵn có, gia tăng giá trị kinh tế của cây chè, giúp bà con nông dân trong xã có điều kiện tăng thu nhập, phát triển đời sống ngay tại quê hương trên cơ sở gắn bó cùng cây chè truyền thống.
Có thể thấy, chủ động làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế từ chè cổ thụ cộng với định hướng rõ ràng theo lộ trình cụ thể, xã Cao Bồ đang giúp người dân có thêm điều kiện nâng cao thu nhập, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống trong lành.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm