Trong quá trình hội nhập cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã vận động, khuyến khích nhân dân bảo tồn giữ gìn những nét văn hóa của dân tộc Dao thông qua đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn nghệ dân gian.
Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm với đồng bào Dao xã Sủng Máng |
Trong cộng đồng 17 dân tộc ở vùng cao Mèo Vạc, đồng bào dân tộc Dao ở xã Sủng Máng luôn có ý thức duy trì và bảo tồn được nhiều phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Những nét văn hóa được lưu truyền, phổ biến trong đời sống hàng ngày như: Giao tiếp đều bằng ngôn ngữ bản địa, người già vẫn mặc trang phục truyền thống. Ngoài ra, đồng bào Dao còn duy trì các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống như: Lễ Cấp sắc, cúng Bàn Vương, cầu mưa, cầu lộc, hát đối giao duyên và các nghi lễ vòng đời sinh nở, cưới hỏi, tang ma...
Lễ Cúng bàn vương truyền thống người Dao |
Sinh ra và lớn lên ở bản Sủng Nhị A, xã Sủng Máng ngay từ khi còn nhỏ, chị Phàn Thị Mỷ đã được đắm mình trong các điệu múa dân tộc Dao. Chị Mỷ chia sẻ mình có niềm đam mê với văn hóa của dân tộc, nhất là các loại hình văn nghệ dân gian. Mỗi khi được xem các mẹ truyền dạy hoặc biểu diễn mình đã ghi nhớ từng động tác múa, điệu xòe, từng lời hát. Đến nay khi đã được bầu giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy xã, chị luôn là nòng cốt trong tập hợp các thành viên có chung niềm đam mê và mong muốn bảo tồn văn hóa dân tộc Dao. Để bảo tồn giữ gìn nét văn hóa của dân tộc do cha ông để lại, là thế hệ trẻ, chị nhận thấy mình phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp để truyền lại cho thế hệ sau.
Đồng bào dân tộc Dao thể hiện kỹ năng thiêu thủ công |
Cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua xã Sủng Máng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Trao đổi với chúng tôi, ông Phàn Lão Man, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Máng phấn khởi cho biết: Toàn xã có 566 hộ dân với 2.963 người, trong đó gần 94% dân số là người Dao, xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào và sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Hàng năm chính quyền đã tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập các đội văn nghệ thường xuyên tập luyện để giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các bản, tham gia lễ hội, hội thi, hội diễn văn nghệ trong huyện, tỉnh. Ngoài ra, xã còn thường xuyên tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao sôi nổi để lại nhiều ấn tượng thu hút đông đảo đại biểu, người dân và du khách tới tham dự. Không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho bà con, tạo điều kiện cho nhiều diễn viên quần chúng không chuyên có hội được giao lưu, học hỏi.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, giới trẻ cũng ít mặn mà với văn hóa dân gian có xu hướng thích giai điệu hiện đại từ đó những nét văn hóa truyền thống cũng dần bị mai một theo thời gian. Cho nên việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng cần đặt ra. Xã tuyên truyền các đơn vị trường học trên địa bàn thành lập các đội văn nghệ, tập luyện các bài hát điệu múa dân tộc, tạo điều kiện cho học sinh biểu diễn vào các dịp kỷ niệm của trường, lễ hội, ngày tết thiếu nhi, trung thu… Tăng cường giáo dục cho các em về cái hay cái đẹp trong văn hóa dân tộc Dao để các em hiểu được về văn hóa dân tộc không bị mai một theo thời gian. Trong các dịp lễ hội, Tết nguyên đán cổ truyền khuyến khích nhân dân mặc trang phục dân tộc, nói tiếng địa phương trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, tham gia biểu diễn, hát các ca khúc ca ngợi quê hương bằng chính tiếng Dao. Tạo điều kiện hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư mua sắm dụng cụ, thuê những trang phục biểu diễn văn nghệ.
Ông Phàn Chí Nhàn, nghệ nhân người Dao xã Sủng Máng tâm sự: Qua năm tháng việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao cũng có nhiều sự điều chỉnh để hài hòa giữa bản sắc văn hóa truyền thống và nếp sống văn hóa, hiện đại nhưng những nét đặc trưng văn hóa về trang phục, tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao vẫn luôn được bà con nơi đây giữ gìn, bảo tồn và phát huy tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Sủng Máng nói chung và huyện Mèo Vạc nói riêng. Điều này đã tạo cơ hội để chúng tôi giới thiệu các nét đẹp của dân tộc Dao đến với người dân và du khách. Thời gian tới, tôi mong sẽ có thêm nhiều chương trình, hoạt động văn hóa để góp phần quảng bá, duy trì nét văn hóa truyền thống.
Trong sự phát triển chung những năm gần đây, huyền Mèo Vạc vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành địa chỉ, điểm đến quen thuộc của du khách và người dân địa phương bốn phương. Với những hoạt động trải nghiệm, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí. Góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao, tạo bước chuyển biến để địa phương bắt kịp xu thế phát triển của xã hội.
Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Nguồn: http://hagiangtv.vn/doi-song-xa-hoi/202411/bao-ton-net-dep-van-hoa-dan-toc-dao-xa-sung-mang-605298e/