14:28, 12/10/2023
BHG – Bạch Đích là xã biên giới của huyện Yên Minh, cách trung tâm huyện khoảng 35 km, nơi sinh sống của đồng bào 12 dân tộc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững.
Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia từ 2021 – 2023, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, xã Bạch Đích được giao tổng số vốn trên 14,9 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 10,1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 4,8 tỷ đồng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, xã Bạch Đích đã thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có lộ trình, triển khai rà soát và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ, phù hợp với quy định, bảo đảm đúng đối tượng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đề ra.
Cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang xã Bạch Đích giúp người dân cải tạo vườn tạp. |
Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí NTM, phấn đấu cuối năm 2023 đạt thêm 1 tiêu chí; hoàn thành giải ngân 100% các nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Về công tác giảm nghèo, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025, xã tập trung các giải pháp, huy động nguồn lực đẩy mạnh giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 là 37,53%, phấn đấu cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6 – 7% so với năm 2022 (ước khoảng còn 30%). Hệ thống điện lưới quốc gia, nguồn nước hợp vệ sinh trên địa bàn toàn xã nói chung và các thôn biên giới được đảm bảo 100%. Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đi các thôn, cụm dân cư được mở rộng, bê tông hóa; nhiều nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng kiên cố thay cho nhà tạm; nhà văn hóa các thôn được đầu tư xây dựng mới; nhiều km kênh mương cứng dẫn nước sinh hoạt và sản xuất được xây dựng… góp phần cho nông thôn, nông dân đổi thay diện mạo.
Ông Mùng Sáng Dâu, Bí thư Chi bộ thôn Na Ca, xã Bạch Đích chia sẻ: “Bà con nhân dân phấn khởi lắm, được nhà nước đầu tư xây dựng đường bê tông, hỗ trợ tiền làm nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất… Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm lo cho nhân dân chúng tôi”.
Đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Bạch Đích cho biết: Bám sát chủ trương, kế hoạch của cấp trên; phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Công tác tổ chức thực hiện chương trình luôn đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, lựa chọn các nội dung hỗ trợ, công trình thiết yếu phù hợp với nguyện vọng của người dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội luôn phát huy vai trò, phối hợp triển khai và giám sát, đánh giá, phản biện xã hội. Sức mạnh toàn dân được phát huy, đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương chính sách nói chung và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng, kết quả đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn tại địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân được biết nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tạo sự chuyển biến nhận thức trong nhân dân về giảm nghèo, tạo động lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định, đề nghị phê duyệt các dự án đúng đối tượng, tiêu chuẩn và quy định. Tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả chương trình. Đảm bảo tính công khai, dân chủ theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong quản lý và sử dụng nguồn lực gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thiết lập quy trình giám sát và hệ thống chỉ tiêu bảo đảm vốn được sử dụng “đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có hiệu quả, không thất thoát”.
Bài, ảnh: Khánh Trình (Đồn Biên phòng Bạch Đích)