Tháng 10 về, trên địa bàn huyện Bắc Mê người dân không chỉ tất bật thu hoạch những bông lúa trĩu vàng của vụ Mùa mà còn tranh thủ thời gian rảnh để tu sửa thuyền, lưới đánh cá, tôm… Từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau là mùa nước dâng trên thủy điện Bắc Mê và Na Hang (Tuyên Quang) kéo theo đó là mùa đánh bắt tôm, cá của người dân dọc bờ sông Gâm.
Là người dân vùng cao, nhưng với sự ưu ái của thiên nhiên, những người dân sống dọc 2 bờ sông Gâm lại trở thành những “ngư dân” với tài bơi lội và chèo thuyền cũng như đánh bắt cá chuyên nghiệp. Ông Lã Văn Nhuận, thôn Kim Thạch, xã Minh Ngọc chia sẻ: “Hàng năm trên địa bàn huyện mùa nước dâng sẽ kéo dài khoảng 5 tháng, với sự ổn định của mực nước cùng với sự đa dạng của các đặc sản trên dòng sông như cá, tôm… người dân chúng tôi lại có dịp được thả mái chèo ngắm cảnh đẹp 2 bên bờ sông và thể hiện tài đánh bắt của mình với những chiến lợi phẩm thu được đủ để làm phong phú thêm bữa ăn của gia đình, nhiều lúc được mẻ tôm, cá mang lại cho chúng tôi nguồn thu nhập đáng kể. Từ sự ưu ái của thiên nhiên đã mang đến cho chúng tôi một nghề mới, đó là nuôi cá lồng. Vào thời điểm mùa nước lên chúng tôi lại kéo những lồng cá được gửi từ lòng hồ thủy điện để tiếp tục việc nuôi cá. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật đã tạo cho các hộ dân nguồn thu nhập đáng kể”.
Những mẻ tôm làm phong phú thêm bữa ăn và tạo nguồn thu nhập cho người dân dọc bờ sông Gâm. |
Nhằm phát huy lợi thế của địa phương, huyện Bắc Mê đã đưa việc phát triển thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và trở thành chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Theo đó, tổng diện tích đất nuôi thủy sản trên địa bàn huyện hiện có 87 ha với 197 lồng cá và 2 Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nuôi thủy sản trên lòng hồ. Trong 9 tháng của năm 2023, sản lượng cá nuôi ước đạt 66,9 tấn, tăng 8,4 tấn so với cùng kỳ; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 70,3 tấn, tăng 2,3 tấn so với cùng kỳ.
Đồng chí Nguyễn Đức Thủy, Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Bắc Mê với nhiều lợi thế trong việc phát triển chăn nuôi – thủy sản, nhưng do người dân còn thiếu kinh nghiệm nên chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Bởi vậy, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lợi sẵn có, huyện Bắc Mê đã xây dựng các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy người dân phát triển kinh tế. Cụ thể, thực hiện hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; theo đó trong 9 tháng của năm 2023 huyện thực hiện chuỗi liên kết nuôi cá đặc hữu thương phẩm cho 10 hộ trên 20 lồng cá với tổng số 8.328 con cá… Trong thời gian tiếp theo, huyện sẽ mở rộng diện tích hỗ trợ, cũng như tìm đầu ra và đưa vào sản xuất những sản phẩm từ thủy sản, nhằm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm”.
Anh Bàn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Trung Hiếu, xã Thượng Tân chia sẻ: “Với địa hình tiếp giáp với huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) và nằm trong khu vực Thủy điện Na Hang có lợi thế về mặt nước phù hợp với nghề nuôi cá lồng. Qua đó, cách đây hơn 10 năm tôi đã tiến hành học và thử nghiệm nuôi cá lồng; với sự tìm tòi và không ngừng mở rộng diện tích nuôi, hiện nay HTX đã có hơn 40 lồng cá, chủ yếu các loại cá như Bỗng, Lăng… Để phát triển mô hình, tôi đã tiến hành liên kết với hộ dân sống xung quanh xây dựng HTX Trung Hiếu, qua đó tạo được thương hiệu và nguồn thu nhập cũng như đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, HTX tiến hành mở rộng loại hình kinh doanh trong việc đầu tư thuyền để phát triển du lịch, với việc liên kết các khu du lịch tại Lâm Bình nên có lượng khách khá ổn định”.
Khai thác lợi thế, không ngừng tìm tòi xây dựng thương hiệu của người dân địa phương đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng có của huyện Bắc Mê. Đây là cơ sở để người dân phát triển kinh tế và tạo động lực để huyện Bắc Mê về đích với mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN