16:46, 12/02/2025
BHG – Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngay sau khai mạc, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tham gia phát biểu thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH Khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đồng tình và thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật lần này với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi luật lần này nhằm kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt trong thời gian qua.
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 6. Ảnh: CTV |
Trưởng đoàn Lý Thị Lan tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Về các nội dung cụ thể, Trưởng đoàn Lý Thị Lan cho biết: Dự thảo Luật bỏ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của cấp xã là phù hợp vì việc không quy định hệ thống văn bản này sẽ phù hợp với dự kiến việc bỏ HĐND cấp xã và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay không cần thiết phải ban hành văn bản QPPL cấp xã.
Trưởng đoàn ĐBQH cũng đề nghị xem xét, cân nhắc việc quy định hệ thống văn bản QPPL của HĐND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư được quy định tại Khoản 13, Điều 4 để đảm bảo tính khả thi, lâu dài của văn bản và để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn về tổ chức bộ máy trong thời gian tới.
Liên quan đến ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày và dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài tại Khoản 2 Điều 7 dự thảo, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị xem xét bổ sung thêm các phần khác của bố cục ngoài bố cục như dự thảo hiện nay, vì trong thực tế có rất nhiều văn bản QPPL có bố cục các phần khác. Đại biểu lấy ví dụ tại Bộ Luật dân sự năm 2015 có bố cục “tiểu mục”. Mặt khác tại Luật Ban hành văn bản QPPL hiện hành cũng quy định bố cục văn bản QPPL có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm. Do đó đại biểu đề nghị rà soát xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về nội dung quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản QPPL tại Khoản 2 Điều 8, Trưởng đoàn Lý Thị Lan đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “quy phạm pháp luật” sau cụm từ “bị bãi bỏ bằng văn bản…” cho đầy đủ và phù hợp với tính chất của văn bản QPPL, nếu quy định bãi bỏ bằng văn bản của chính cơ quan, người có thẩm quyền ban hành ra nó thì sẽ được hiểu là có thể ban hành bằng văn bản QPPL hoặc có thể ban hành bằng văn bản hành chính dẫn đến việc bãi bỏ văn bản QPPL không có sự thống nhất.
Về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Điều 51, Trưởng đoàn Lý Thị Lan đề nghị xem xét chỉ quy định đề xuất trước quá trình soạn thảo (Khoản 2 Điều 50) để tránh trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã cho chủ trương nhưng cơ quan có thẩm quyền xây dựng văn bản không thực hiện việc xây dựng văn bản ngay mà để đến sát kỳ họp HĐND, UBND hoặc khi văn bản của Trung ương, tỉnh đôn đốc mới thực hiện việc xây dựng văn bản và sẽ tham mưu ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời gian theo yêu cầu.
Đại biểu cũng đề nghị: Cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm “cơ quan mình” là các cơ quan, đơn vị được giao xây dựng văn bản hay là cơ quan nào (Điểm b Khoản 4, Điều 50) cho phù hợp với quy định của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; xem xét, chỉnh sửa nội dung tại Điểm d Khoản 7 cho phù hợp với quy chế làm việc của HĐND vì Nghị quyết HĐND chưa thể thông qua ngay sau khi nhận được dự thảo mà chỉ được thông qua tại kỳ họp gần nhất của HĐND và chỉ được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành theo khoản 3 Điều 91 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Ngoài ra Trưởng đoàn Lý Thị Lan cũng tham gia ý kiến vào các nội dung quy định khác như: Về trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Điều 50; về văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực tại Khoản 2 Điều 57; Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 68…
Duy Tuấn (tổng hợp)
Nguồn: https://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202502/truong-doan-dbqh-khoa-xv-don-vi-tinh-ha-giang-ly-thi-lan-thao-luan-ve-du-an-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-sua-doi-8da1ea9/