15:23, 11/09/2024
BHG – Tránh tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ giải ngân thấp đang đặt ra “bài toán khó” trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC).
Còn nhiều vướng mắc
Để tránh tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”, từ đầu năm đến nay, gần 20 văn bản, thông báo kết luận và 5 phiên họp chuyên đề do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của người đứng đầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư đã cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của tỉnh trong việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết toán các công trình và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch. Tính đến 15.8.2024, tổng số vốn đã giải ngân là 1.794 tỷ đồng/4.578 tỷ đồng, đạt 39,2% kế hoạch. Bên cạnh đó, tổng kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 599/2.291 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch. Điều đáng lo ngại khi trong vòng một tháng, trong tổng số 39 chủ đầu tư chỉ có 17 chủ đầu tư phát sinh giải ngân, 4 chủ đầu tư đã giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 và còn tới 18 chủ đầu tư không phát sinh giải ngân. Nguyên nhân được xác định do các chủ đầu tư chưa kịp nghiệm thu khối lượng hoàn thành; thời tiết mưa nhiều; một số chủ đầu tư chưa xong thủ tục đầu tư; vướng mắc thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng…
Dự án “Đô thị xanh” thành phố Hà Giang đang được đẩy nhanh tiến độ. |
Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là thiếu nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án; thiếu nguồn nhân lực cục bộ tại một số địa bàn; giá cả nguyên vật liệu thông thường cao hơn nhiều so với dự toán dẫn đến một số dự án chậm tiến độ thi công. Đặc biệt, trong thời gian tháng 6 và tháng 7.2024 trên địa bàn toàn tỉnh diễn biến thời tiết bất thường, mưa to, lũ ống, lũ quét ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Đối với việc giải quyết tồn đọng quyết toán các dự án vốn ĐTC, mặc dù chủ đầu tư tích cực triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc nhưng tiến độ thực hiện chậm; nguyên nhân chủ yếu do một số dự án tồn đọng từ lâu, chuyển đổi chủ đầu tư; nhà thầu không còn trên địa bàn tỉnh, không liên lạc được; hồ sơ pháp lý bị thất lạc nhiều; một số dự án chưa có chủ trương dừng thực hiện hoặc đã có chủ trương dừng nhưng chưa được phê duyệt điều chỉnh dự án của cấp có thẩm quyền.
Nỗ lực tháo gỡ
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: Để giải quyết tồn đọng quyết toán các dự án vốn ĐTC, Sở đã ban hành các văn bản đôn đốc đẩy mạnh hoàn thiện hồ sơ quyết toán các dự án hoàn thành, nhất là các dự án sử dụng vốn ĐTC từ năm 2020 trở về trước; yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, báo cáo bổ sung thông tin chi tiết tài liệu và đề xuất phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Từ đó, phân loại nhóm nguyên nhân vướng mắc để hướng dẫn chủ đầu tư tháo gỡ.
Đến nay, có 16/16 chủ đầu tư tích cực trao đổi và được hướng dẫn 55/67 dự án. Đối với 32 dự án thuộc cấp huyện quản lý đã được các huyện, thành phố lập tổ công tác đôn đốc quyết toán các công trình; chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện, khắc phục tồn tại của hồ sơ các công trình và giao cho cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức thẩm tra quyết toán ngay đối với những hồ sơ đã đầy đủ thủ tục. Tính đến 20.8.2024, có 10/32 dự án đã được thẩm tra quyết toán. Đối với 82 dự án thuộc cấp tỉnh quản lý, đã có 15 dự án đủ hồ sơ đang thẩm tra quyết toán; còn 67 dự án chưa đủ điều kiện thẩm tra quyết toán.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương trình cấp có thẩm quyền các dự án chưa phê duyệt điều chỉnh. Nhóm các dự án không liên lạc được với chủ đầu tư tiếp tục liên lạc bằng mọi biện pháp. Đối với các dự án vướng mắc về thủ tục hồ sơ sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan để đối chiếu, sao chụp công chứng tài liệu còn thiếu. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác quyết toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện những dự án chưa có chủ trương dừng thực hiện; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện hồ sơ quyết toán để thẩm tra quyết toán theo quy định đối với dự án cơ bản đầy đủ văn bản pháp lý, đang hoàn thiện hồ sơ. Đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng, lập hồ sơ hoàn công quyết toán theo quy định.
Từ nay đến cuối năm được xem là giai đoạn “nước rút” giải ngân vốn ĐTC, do đó tỉnh tập trung đôn đốc chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quyết toán các dự án chưa hoàn thành, chưa quyết toán từ năm 2020 trở về trước; chỉ đạo các huyện kiểm tra kỹ các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia trước khi đề xuất điều chỉnh, tránh phá vỡ mục tiêu của chương trình, nhất là giải ngân nguồn vốn chuyển từ năm 2023 sang 2024. Tổng hợp các dự án còn thiếu vốn để tính toán cắt giảm, điều chỉnh nguồn vốn theo quy định; hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý dự án ODA để bảo đảm tiến độ dự án. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202409/giai-ngan-von-dau-tu-cong-khong-de-co-tien-nhung-khong-tieu-duoc-5f81cad/