Bên cạnh việc duy trì những mã ngành đã tuyển sinh trước đó, năm 2024, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang mở thêm 2 ngành đào tạo mới là sư phạm tiếng Mông và ngôn ngữ Trung Quốc. Phân hiệu tiếp tục tăng cường đào tạo, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, gắn lý thuyết với thực hành cho sinh viên, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay.
Sau năm đầu tiên đi vào hoạt động, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh vừa nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất, vừa nhanh chóng bắt tay vào thực hiện đổi mới trong công tác giáo dục và đào tạo. Khóa sinh viên thứ nhất có gần 600 em được đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các chuyên ngành như: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Ngôn ngữ Anh, du lịch, dược liệu và chăn nuôi thú y. Các lớp tuyển sinh liên thông từ hệ trung cấp, cao đẳng lên đại học và bồi dưỡng giữa Phân hiệu với các trường đại học trên đà khởi sắc với gần 1.000 sinh viên theo học và đa dạng các chuyên ngành đào tạo.
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang ký kết hợp tác với Công ty TNHH Mậu Dịch quốc tế Thiên Thiện Đại Liên, chi nhánh Hà Khẩu (Trung Quốc). |
Nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên, Phân hiệu đã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Trong đó, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và dân tộc rất ít người được miễn 100% học phí; sinh viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng KT – XH đặc biệt khó khăn được miễn 70% học phí; sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức có cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được trợ cấp thường xuyên, miễn giảm 50% học phí. Ngoài ra, các em còn được hưởng hỗ trợ chi phí học tập và trợ cấp xã hội mỗi tháng theo điều kiện từng vùng miền, dân tộc. Phân hiệu cũng đã kết nối với các tổ chức, nhà tài trợ trao học bổng mức hỗ trợ tối đa lên đến 20 triệu đồng cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em yên tâm học tập.
Ngay từ khi mới thành lập, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh đã xác định không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và hướng đến phát triển đa dạng ngành nghề. Năm nay, Phân hiệu đã mở thêm 2 mã ngành mới đó là sư phạm tiếng Mông và ngôn ngữ Trung Quốc. Hiện trên thế giới và Việt Nam chưa có cơ sở nào đào tạo ngành sư phạm tiếng Mông. Do vậy, với đặc thù của tỉnh miền núi phía Bắc, dân tộc Mông chiếm đến 34% trong tổng số 19 dân tộc, việc mở mã ngành này có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn, phát triển và tôn vinh những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Đối với ngành ngôn ngữ Trung Quốc, đây là ngành học có tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, giúp sinh viên sau khi ra trường được làm việc và cơ hội giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới. Cả 2 mã ngành đều khẳng định tính cập nhật và tầm nhìn chiến lược lâu dài của Phân hiệu.
Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2024, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh có 985 chỉ tiêu, đa số các ngành nghề đào tạo trình độ đại học, chỉ có 100 chỉ tiêu đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục Mầm non. Đến thời điểm này đã có gần 1.400 hồ sơ thí sinh đăng ký nguyện vọng về trường, vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Phân hiệu tiếp tục liên kết với các trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên, Đại học Khoa học Thái Nguyên, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đào tạo các ngành như: Tài chính – Kế toán, Luật kinh tế, Quản trị kinh doanh và Kỹ thuật máy tính.
Tiến sĩ Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang cho biết: “Thời gian qua, Phân hiệu đã tích cực liên kết, hợp tác với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Nổi bật là thực hiện chương trình làm việc với Đoàn đại biểu Công ty TNHH Viện nghiên cứu thiết kế quy hoạch đô thị Đồng Tế Thượng Hải – Đại học Đồng Tế (Trung Quốc); ký kết hợp tác với Công ty TNHH Mậu Dịch quốc tế Thiên Thiện Đại Liên, chi nhánh Hà Khẩu (Trung Quốc); tham gia diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Nam Á, Đông Nam Á và các trường Đại học Trung – Việt. Việc hợp tác này mang lại nhiều thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, Phân hiệu sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu, đối ngoại, mở rộng hợp tác, chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở thực hành, thực nghiệm, hướng đào tạo đi đôi với giải quyết việc làm, không những đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung, mà còn vươn tầm ra thế giới”.
Nguồn: Báo Hà Giang
Nguồn: http://hagiangtv.vn/doi-song-xa-hoi/202408/mo-rong-nganh-tuyen-sinh-va-tang-cuong-hop-tac-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-99e018c/