15:30, 28/02/2024
BHG – Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, từ ngày 7.2 đến hết ngày 14.2 (ngày 28.12 đến ngày Mùng 5 Tết Âm lịch), huyện Đồng Văn đón tổng số 5.662 đoàn khách, trong đó có 769 đoàn quốc tế, 5.125 đoàn nội địa; với 48.913 khách trong đó có 3.415 khách quốc tế và 45.498 khách nội địa. Có thể thấy rõ những tín hiệu vui ngay từ đầu năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Nắm bắt xu hướng du Xuân của du khách trong nước và quốc tế, Cao nguyên đá là một trong những địa điểm được yêu thích hàng đầu. Bởi vậy, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung xây dựng hạ tầng du lịch, đổi mới các hoạt động, các lễ hội trong dịp Xuân mới để du khách có cơ hội trải nghiệm. Bên cạnh các lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên, nhiều địa phương đã xây dựng, tổ chức thêm các hoạt động vui Xuân được du khách vô cùng yêu thích. Tiêu biểu như: Xã Má Lé tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao truyền thống trên địa bàn như múa Giấy, dân ca Giấy, múa Khèn, đẩy gậy, đánh sảng; tổ chức hoạt động đón các du khách đầu năm mới, các hoạt động trồng cây; xã Phố Cáo tổ chức lễ hội Xuân Khèn Mông gắn với trình diễn trang phục dân tộc, diễn kịch phòng, chống tảo hôn, trưng bày ẩm thực địa phương; xã Lũng Cú tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại những điểm tập trung đông du khách…
Các trò chơi dân gian được tổ chức tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho người dân xã Hố Quáng Phìn. |
Có thể thấy rõ, du lịch nếu không chịu “làm mới” sẽ không níu được chân du khách. Đối với huyện Đồng Văn, vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá, xác định phát triển du lịch dựa trên thế mạnh sẵn có, khai thác du lịch gắn với phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bởi vậy, trước sự phát triển bùng nổ của du lịch, huyện Đồng Văn đã tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa và phát triển du lịch. Đặc biệt, là nơi sinh sống của trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, việc duy trì hoạt động của Hội nghệ nhân dân gian, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tín ngưỡng dân gian là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Không chỉ góp phần lan tỏa, giữ gìn, lưu truyền, phát triển các lễ hội văn hóa dân gian, phong tục, tập quán tốt đẹp mà còn giúp bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục. Bởi vậy, những năm trở lại đây, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được đổi mới, thu hút du khác. Nhiều địa phương thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào, Hội xuân Khèn Mông, lễ cúng thần Rừng của dân tộc Pu Péo xã Phố Là, lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú… Song song với đó, nâng cấp hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch cũng được huyện quan tâm đầu tư. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được Nhà nước và nhân dân cùng làm đã giúp cung đường của các dân chuyên “phượt” đi lại thuận tiện hơn. Chất lượng dịch vụ tại các nhà hàng, khách sạn, các homestay được nâng lên rõ rệt…
Xã Phố Cáo tổ chức các hoạt động vui Xuân thu hút du khách trải nghiệm. |
“Những cung đường lên Cao nguyên đá những ngày đầu năm hàng đoàn xe nối đuôi nhau, có những đoạn ách tắc là tín hiệu vui cho du lịch của tỉnh nói chung, của huyện Đồng Văn nói riêng. Đây là cơ hội để đặt ra những mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ cho du lịch. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đó, chúng tôi cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: Tăng cường đào tạo con người, nâng cao chất lượng du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khai thác tiềm năng, thế mạnh bản địa… Có thể thấy một năm du lịch mới được mở đầu bằng những tín hiệu vui cũng cần hơn nữa nỗ lực, sáng tạo để du lịch phát triển bền vững, vụt sáng nhưng không vụt tắt, thật sự bứt phá trở thành ngành mũi nhọn, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”. Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: MY LY