12:27, 10/02/2024
BHG – 10 giống cây trồng bản địa được công nhận lưu hành đặc cách; 66 vùng trồng trọt đầu tiên được cấp mã số. Đây là những kết quả quan trọng giúp ngành Nông nghiệp tỉnh nhà thực hiện chiến lược kép: Vừa bảo tồn nguồn gen quý các giống cây trồng bản địa, vừa góp phần phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Nâng tầm cây trồng bản địa
Toàn tỉnh hiện có trên 91.000 ha lúa và ngô. Trong đó, các giống lúa, ngô bản địa có diện tích hơn 10.000 ha, chiếm 11% diện tích lúa, ngô toàn tỉnh. Đây là những loại cây trồng không chỉ gắn bó với đời sống, văn hóa, phong tục của đồng bào các dân tộc nơi cực Bắc Tổ quốc mà còn góp phần ổn định an ninh lương thực, phục vụ đời sống nhân dân. Tuy nhiên, các giống cây trồng bản địa sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh nên giá trị sản xuất còn thấp và chưa có giống cây trồng nào mang thương hiệu của tỉnh.
Giống lúa nếp Hữu Sản (Bắc Quang) đã được công nhận lưu hành đặc cách. |
Xuất phát từ thực tế trên, đầu năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) – Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin 8 giống lúa, 2 giống ngô tại 8 huyện để lập hồ sơ đề nghị và được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành đặc cách 10 giống cây trồng bản địa, gồm: Lúa tẻ Khẩu Mang (Đồng Văn), lúa nếp Râu Yên Minh (Yên Minh), lúa nếp Quảng Nguyên, Nủ Cư, lúa tẻ Già Dui (Xín Mần), lúa tẻ Gạo Đỏ Bản Phùng (Hoàng Su Phì), lúa tẻ nương Bắc Mê (Bắc Mê), lúa nếp Hữu Sản (Bắc Quang); ngô nếp Núi Đá, ngô tẻ Vàng Hà Giang thuộc các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Kết quả điều tra của ngành chuyên môn cho thấy: Các giống lúa đặc sản địa phương có năng suất từ 39,2 – 53,8 tạ/ha; giống ngô cho năng suất từ 32,2 – 34,7 tạ/ha. Các giống cây trồng bản địa đều có chất lượng thơm ngon đặc trưng, có giá trị cao về kinh tế, đảm bảo an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hơn nữa, các giống lúa, ngô này đều có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại, một số giống gieo trồng cả 2 vụ Xuân và Mùa/năm.
“Giấy thông hành” của nông sản
Mã số vùng trồng (MSVT) là định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng và là tiêu chí thành phần bắt buộc để cấu thành tiêu chí số 13 Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Như vậy, MSVT được ví như “giấy thông hành” nhằm đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tạo đà để nông sản vươn xa, không chỉ được kết nối tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn bắt kịp xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản chính ngạch ra thị trường quốc tế – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Giang Đức Hiệp cho biết.
Với ý nghĩa quan trọng trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành khảo sát hiện trạng các cây trồng chủ lực để lập hồ sơ cấp MSVT. Trong tháng 1 vừa qua, toàn tỉnh đã có 66 vùng trồng trọt đầu tiên được cấp mã số, bao gồm 5 đối tượng cây trồng (lúa, cam, chè, Thanh long và rau, đậu các loại) với tổng diện tích 926 ha và 1.620 hộ trong vùng trồng được cấp mã số thuộc địa bàn các huyện: Bắc Quang (33 mã số), Quang Bình (16 mã số), Vị Xuyên (7 mã số), thành phố Hà Giang (10 mã số). Anh Hoàng Phong Thương, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) không giấu được niềm vui: Gia đình tôi đã được trao Giấy xác nhận cấp MSVT cho 5,7 ha lúa Tẻ nương. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: Ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc và cập nhật thường xuyên các thông tin theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quản lý MSVT; không chuyển đổi cây trồng hoặc mục đích sử dụng so với đăng ký ban đầu đối với vùng trồng đã được cấp mã số.
Có thể khẳng định, những kết quả trên chính là “cú hích” nâng tầm giá trị, thương hiệu nông sản của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG