15:46, 25/01/2024
BHG – Trên 13.270 hộ nghèo đa chiều đã thoát nghèo trong năm 2023 là con số ấn tượng cho thấy quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi mảnh đất địa đầu cực Bắc. Mang thêm những mùa Xuân no ấm đến với đồng bào, tỉnh ta đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII sớm về đích.
Năm 2023, mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo đến cuối năm 2023, số hộ nghèo đa chiều có 81.451 hộ/191.157 hộ; chiếm 42,61% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 13.276 hộ, giảm 7,34% so với năm 2022); trong đó, số hộ nghèo 59.496 hộ, chiếm 31,12% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 10.822 hộ, giảm 5,96% so với năm 2022); số hộ cận nghèo 22.955 hộ, chiếm 11,49% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 2.454 hộ, giảm 1,38% so với năm 2022). Số hộ nghèo đa chiều chủ yếu do thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Phát triển các sản phẩm đặc trưng giúp người dân các địa phương trong tỉnh nâng cao thu nhập. |
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sùng Đại Hùng cho biết: Đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày một ấm no hơn ngoài sự nỗ lực của các gia đình thì có sự tác động mạnh mẽ bởi các chính sách, dự án giảm nghèo và an sinh xã hội được tỉnh quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện đồng bộ; nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục; hạ tầng kỹ thuật các huyện nghèo, xã nghèo như đường giao thông liên xã, liên thôn; trường học, trạm y tế, cơ sở dạy nghề, điện, nước sinh hoạt tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng; người dân được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản nên có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Đứng trước thực trạng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn còn cao, năm 2024 tỉnh ta quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Nuôi ong lấy mật giúp người dân Mèo Vạc nâng cao đời sống. |
Dựa trên điều kiện thực tiễn địa phương, năm 2024 tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4% (giảm khoảng 7.821 hộ nghèo đa chiều), các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Tập trung giải quyết việc làm cho 18.000 lao động, trong đó đi làm việc ở nước ngoài và các tỉnh trong nước 10.500 lao động; phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; trong đó hỗ trợ 5.000 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm ổn định. Nỗ lực để 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,25%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm còn 16,2%. Bảo đảm tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 98%.
Đồng thời, tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Giáo dục nghề nghiệp cho 10.500 lao động, phấn đấu cuối năm 2024 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 60%. Hỗ trợ nhà ở cho 4.184 hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn 7 huyện nghèo; trong đó, xây mới 3.004 hộ, sửa chữa 1.180 hộ. Phấn đấu 88% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 50% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cuối năm 2024 đạt 94,8%. Phấn đấu 85% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 93% các hộ sinh sống tại địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản sản phẩm truyền thông.
Hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT – XH các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình. Đồng thời, đổi mới công tác truyền thông về chương trình giảm nghèo bền vững sâu rộng đến cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể; đặc biệt là các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy tính chủ động vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Huy động, ưu tiên mọi nguồn lực cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với xây dựng Nông thôn mới; lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển KT – XH và giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, vừa trước mắt, vừa lâu dài, phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH ở từng vùng; phân công nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của từng cán bộ, đảng viên với thôn, bản nghèo… là sơ sở để tin tưởng mục tiêu giảm nghèo sẽ sớm được hiện thực hóa, giúp ấm no luôn ở lại với đồng bào nơi biên cương Hà Giang.
Bài, ảnh: KIM TIẾN