16:18, 20/01/2024
BHG – Sau một năm nỗ lực vượt qua những thử thách về thiên tai, dịch bệnh, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã bội thu, thắng lớn với tốc độ tăng trưởng đạt mức khá nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, tăng 6,26% so với cùng kỳ. Hiện, toàn ngành đang tập trung đổi mới, sáng tạo, chủ động thực hiện các chương trình trọng tâm, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái.
Với sự vào cuộc đồng bộ của toàn ngành và sự chủ động của người nông dân, sự chuyển biến trong nhận thức chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị đã mang lại những thay đổi tích cực. Một trong những điểm sáng là việc thực hiện các dự án liên kết sản xuất. Chè Shan tuyết và mật ong Bạc hà thuộc nhóm các sản phẩm nổi bật được hỗ trợ triển khai, cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Nhiều vùng trồng chè Shan tuyết đảm bảo quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Riêng sản phẩm mật ong Bạc hà, có 13 cơ sở được hỗ trợ triển khai, xây dựng mô hình chăn nuôi tốt theo VietGAHP, có hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (HACCP) và 14 cơ sở sơ chế, chế biến mật ong quy mô lớn, tập trung trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá được cấp mã QRcode.
Người dân xã Quang Minh (Bắc Quang) liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang trồng sả chế biến tinh dầu. |
Tiêu biểu, chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực của người dân Hoàng Su Phì, toàn huyện có hơn 4.400 ha chè Shan tuyết, riêng diện tích chè theo tiêu chuẩn chè hữu cơ Organic châu Âu đạt 105 ha. Năm 2023, sản lượng thu hoạch chè búp tươi đạt trên 13.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt 344,5 tỷ đồng. Với những giá trị kinh tế đem lại từ cây chè, huyện đã xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất chè Shan tuyết. Hiện nay, ngoài có 20 công ty, hợp tác xã, cơ sở thu mua, chế biến chè, Công ty TNHH chè cổ thụ Việt Nam đã liên kết cùng 226 hộ để chăm sóc, chế biến chè theo vùng dự án. Các sản phẩm chè của huyện rất đa dạng và nổi tiếng như: Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, Bạch shan tiên, Trà móng rồng. Trong đó, có 2 dòng sản phẩm OCOP 5 sao mang thương hiệu của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ được ký hợp đồng độc quyền xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu.
Năm qua cũng đánh dấu bước tiến trong liên kết sản xuất các loại cây trồng. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận đặc cách cho 11 giống cây trồng của địa phương. Điểm sáng là giống lúa Tẻ nương Hà Giang được Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đạt Thành thương mại hóa, sản xuất 50 tấn lúa giống và cung ứng cho 16 tỉnh. Ông Trần Hữu Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang cho biết: “Giống lúa thuần bản địa Tẻ nương Hà Giang có nguồn gốc tại huyện Yên Minh và được triển khai, nghiên cứu, chọn lọc từ năm 2017. Sau quá trình thử nghiệm ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, giống lúa này được đánh giá có khả năng thích ứng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, tỷ lệ hạt lép thấp, hạt chắc cao, năng suất vụ Xuân đạt hơn 8 tấn/ha, vụ Mùa đạt hơn 6 tấn/ha. Năm 2023, có 8 huyện trên địa bàn tỉnh đưa giống lúa vào gieo cấy, Công ty đã liên kết với huyện Bắc Quang sản xuất lúa theo chuỗi hàng hóa theo “5 cùng” nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý”.
Cùng với cây lúa, các huyện đã mở rộng diện tích trồng ngô, lạc, rau đậu theo hướng đa dạng và chuyên canh để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tính đến nay, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân trên 1 ha canh tác đạt 62 triệu đồng, tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2022. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được khống chế, tổng đàn vật nuôi và sản lượng các loại thịt hơi xuất chuồng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 32,8% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 264 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào bức tranh tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm qua.
Đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, nhất là sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân còn thiếu tính ổn định, chưa bền vững. Do đó, ngành sẽ tập trung xây dựng, hình thành và nhân rộng các vùng sản xuất trọng điểm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã cùng nông dân liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo mục tiêu ổn định sản phẩm lương thực có hạt năm 2024 đạt trên 41,8 vạn tấn; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 63 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi đạt 33,5%.
Bài, ảnh: MỘC LAN