19:25, 25/12/2023
BHG – Chiều 25.12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác Tư pháp năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và định hướng nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư. Tại điểm cầu của tỉnh Hà Giang có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Nửa nhiệm kỳ 2021 – 2026 và năm 2023, kết quả trên các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng, nổi bật như: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được Bộ, ngành triển khai quyết liệt; quá trình kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển KT – XH ngày càng được đánh giá cao; hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 575.667 việc, đạt tỷ lệ 83,2%; kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc, số tiền đã thi hành xong đạt 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng so với năm 2022. Công tác trợ giúp pháp lý, hợp tác quốc tế có nhiều kết quả ấn tượng… Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển KT – XH, bảo đảm QP – AN, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Đối với Hà Giang, công tác tư pháp của tỉnh đã có những chuyển biến; việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở được tăng cường; thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp thường xuyên được rà soát nhằm đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình đăng ký, tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2021 – 2026 và năm 2024, ngành Tư pháp cần tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật đảm bảo kịp thời, chất lượng. Các văn bản quy phạm pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, có các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, bổ trợ tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo hành lang, pháp lý thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp… Toàn ngành tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay.
Tin, ảnh: MỘC LAN