Chào mừng 78 năm, ngày thành lập Đảng bộ tỉnh 25.12.1945 – 2023:
11:25, 25/12/2023
BHG – Cách mạng Tháng Tám – 1945 thành công, ngày 2.9.1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, đối với Hà Giang do những đặc thù khó khăn riêng, đến ngày 8.12.1945, quân ta mới có thể tiến công bao vây sở chỉ huy, bắt gọn Hoàng Quốc Chính và những tên đầu sỏ tay sai của Quốc Dân Đảng, giải phóng thị xã Hà Giang.
Ngày 25.12.1945, tại thị xã Hà Giang, đông đảo bà con các dân tộc trong tỉnh đã được chứng kiến cuộc mít tinh lịch sử chào mừng sự ra đời của Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Hà Giang. Đồng chí Thanh Phong được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời. Cũng trong ngày lịch sử này, Xứ ủy Bắc kỳ đã ra quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Đồng chí Hồng Quân, được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.
Cổng thành vào thị xã Hà Giang qua tranh vẽ về những năm tháng đầu sau khi thị xã được giải phóng với hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay. |
Có thể nói, từ sau ngày 25.12.1945, trong muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, con người, nhưng Đảng bộ tỉnh, Ủy ban Hành chính lâm thời dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng các cơ quan cấp tỉnh, trong đó đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ Đảng bộ, chính quyền tỉnh mới được thành lập. Một trong những sở, ngành quan trọng, được Đảng bộ, chính quyền tỉnh chú trọng xây dựng và ra đời đầu tiên đó là Ty Liêm phóng (Công an tỉnh). Bởi lúc này, mặc dù chúng ta đã thành lập được Đảng bộ, chính quyền cấp tỉnh, tuy nhiên ở các địa phương vùng cao phía Tây, phía Bắc của tỉnh, tình hình cách mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những phần tử phản động vẫn còn hoạt động với mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng. Chính vì thế, ngoài công tác vận động cách mạng, chúng ta phải sớm thành lập lực lượng Công an để bảo vệ Đảng, chính quyền.
Đầu tháng 1.1946, tổ chức đầu tiên của Công an Hà Giang được thành lập, lấy tên là Ty Liêm phóng. Theo các nhân chứng có liên quan trực tiếp đến sự kiện ra đời của tổ chức đầu tiên của Công an Hà Giang, dù trong điều kiện hết sức khó khăn lúc đó, nhưng tỉnh đã rất quan tâm xây dựng tổ chức Công an. Tổ chức đầu tiên của Công an Hà Giang ra đời bắt nguồn từ các đội tự vệ, đội trừ gian từ phong trào cách mạng của nhân dân. Ty Liêm phóng ban đầu thành lập có 11 đồng chí, tỉnh cử đồng chí Trần Thiên Tân làm Trưởng Ty Liêm phóng.
Ngay sau khi ra đời, Ty Liêm phóng Hà Giang đã được giao nhiệm vụ tổ chức cán bộ xuống các địa phương trong tỉnh làm nhiệm vụ. Những nhiệm vụ của cán bộ liêm phóng trong thời gian này rất khó khăn, bởi thực tế tình hình những năm từ 1946 – 1947 và những năm về sau vẫn còn rất nhiều khó khăn, trong khi đó số lượng cán bộ liêm phóng còn rất mỏng. Nhưng có thể thấy, ngay sau khi giành được chính quyền, ta đã quan tâm, xây dựng ngay bộ máy, công cụ sắc bén để bảo vệ cấp ủy, chính quyền là Ty Liêm phóng. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của lực lượng Công an trong nhiệm vụ cách mạng, đặc biệt là ở những thời điểm khó khăn. Vai trò ban đầu của Ty Liêm phóng là nắm thông tin, trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ Đảng bộ, chính quyền tỉnh mới thành lập, bảo vệ cán bộ và phong trào cách mạng.
Hình ảnh thành phố Hà Giang hôm nay, vị trí đầu cầu Yên Biên II (trong hình), sát chân núi Cấm nay vẫn còn dấu tích cổng thành xưa. |
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền lâm thời tỉnh, những ngày đầu dù lực lượng còn mỏng, song lực lượng Công an Hà Giang đã biết dựa vào sức mạnh của đồng bào các dân tộc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm xây dựng, củng cố thêm lực lượng cho Ty Liêm phóng nhằm đáp ứng với những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng ngày càng khó khăn khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra. Ty Liêm phóng Hà Giang những ngày đầu năm 1946 có các ban, gồm: Ban Trinh sát, Ban Tư pháp và Ban Trật tự. Ty cũng có các hạt, như: Hạt Công an Đồng Văn và Hạt Công an Hoàng Su Phì, những địa bàn có vị trí rất quan trọng và cần phải bố trí lực lượng.
Một sự kiện lịch sử, ngày 21.2.1946, Hồ Chủ tịch đã ký ban hành Sắc lệnh thành lập Việt Nam Công an vụ. Thực hiện Sắc lệnh quan trọng này, Ủy ban Hành chính tỉnh đã đổi tên Ty Liêm phóng Hà Giang thành Ty Công an Hà Giang. Và trước những nhiệm vụ mới của tình hình cách mạng, đặc biệt là việc đấu tranh chống bọn phản cách mạng, bảo vệ cấp ủy, chính quyền, Ty Công an Hà Giang đã chủ động chuyển hướng tổ chức, củng cố lực lượng, thành lập thêm 2 ban nữa là Văn phòng và Chính trị, đồng thời bỏ 2 hạt Đồng Văn và Hoàng Su Phì, thành lập 3 quận Công an, là: Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Lực lượng công an đến đầu năm 1947 cũng được tăng thêm 50 người nữa.
Dưới sự lãnh đạo của Ty Công an trong những ngày đầu thành lập, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là nghiệp vụ, dũng cảm trong chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc. Từ đó, trong những ngày đầu khó khăn sau khi cấp ủy và chính quyền tỉnh mới ra đời, hệ thống chính trị từng bước được xây dựng, củng cố xuống cơ sở, nhưng vai trò bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ cấp ủy, chính quyền của Công an Hà Giang đã được thể hiện rõ.
Đầu tiên là việc tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6.1.1946 trên địa bàn tỉnh. Qua cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND, Ủy ban Hành chính các cấp trong tỉnh, đã củng cố hệ thống tổ chức chính quyền trong tỉnh, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào các dân tộc. Trước sự chống phá của các thế lực phản động, cuối năm 1946 với nỗ lực của Công an Hà Giang, tỉnh ta khám phá một tổ chức phản động do Triệu Công Vũ, là tay sai của quân Tưởng cầm đầu lập ra tổ chức “Nam Dương Hoa kiều hiệp hội”. Tổ chức này xuyên tạc đường lối cách mạng của ta và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Sau hơn 1 năm điều tra, đấu tranh, những đối tượng cầm đầu tổ chức này đã bị tóm gọn. Đồng thời, qua vụ việc giúp cho nhân dân nhận diện các âm mưu chống phá, tăng cường cảnh giác, bảo vệ cách mạng.
Trong thời gian từ 1946 – 1950, qua theo dõi của lực lượng Công an tỉnh, ta đã đấu tranh, giải tán lần lượt các tổ chức phản động do địch dựng lên ở Hà Giang, như: Cứu quốc tiêu cộng Đảng; Quán thanh niên; Hãng buôn Chiêu hòa. Đồng thời, Công an Hà Giang đã tích cực làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, thúc đẩy phong trào quần chúng bảo vệ trị an, phòng gian bảo mật. Đặc biệt, Công an Hà Giang đã nắm sát vụ quân phản động “Cờ Trắng”, một vụ khá phức tạp, khẳng định vai trò tham mưu cho tỉnh tổ chức đấu tranh triệt phá trong những năm 1947 – 1948. Lực lượng Công an cũng đã tích cực triển khai có hiệu quả các vụ đấu tranh với gián điệp, đặc vụ, điển hình như vụ bắt 2 đối tượng phòng Nhì của Pháp giả làm dân thường hoạt động trên địa bàn tỉnh ta đầu năm 1948, bắt những tên Việt gian, đặc vụ nguy hiểm hoạt động trên địa bàn…
Với sự ra đời và nỗ lực hoạt động tích cực trong những năm tháng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh mới thành lập, lực lượng Công an Hà Giang đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ cấp ủy, chính quyền tỉnh, các địa phương; khẳng định vai trò của mình trong theo dõi, đấu tranh, làm thất bại nhiều âm mưu và hoạt động phá hoại, âm mưu gián điệp của các thế lực thù địch trên địa bàn. Từ đó, góp công vào những thành quả cách mạng của Đảng bộ, chính quyền Hà Giang những ngày đầu gian khó.
Huy Toán