18:54, 23/11/2023
BHG – Sáng 23.11, tiếp tục chương trình nghị sự đợt 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại biểu Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật này.
Theo đại biểu Tráng A Dương, Điều 9 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định về hiện đại hóa quản lý BHXH. Trong giai đoạn từ 2014 – 2020, cả nước đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH. Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 không có đánh giá về chính sách này; mặt khác trong dự thảo Luật mới không có quy định riêng đối với việc triển khai hiện đại hóa ngành bảo hiểm. Thực tiễn cho thấy trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19 diễn ra, chúng ta gặp nhiều khó khăn khi triển khai các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách đối với người lao động (NLĐ), đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho NLĐ thất nghiệp và không có thu nhập ổn định. Một trong những nguyên nhân do cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý lao động và cơ quan bảo hiểm không liên thông, không xác định rõ đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang dự phiên thảo luận |
Đại biểu đề nghị cần có đánh giá về nội dung hiện đại hóa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý BHXH, đồng thời bổ sung vào dự thảo Luật quy định riêng cho chính sách này.
Đối với quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung thêm một nội dung là: “Phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện thu hồi số tiền BHXH không đúng quy định của NLĐ nộp về Quỹ BHXH”. Bởi theo đại biểu, hiện nay chưa có chế tài đối với đơn vị sử dụng lao động trong việc thu hồi tiền hưởng BHXH không đúng quy định của NLĐ.
Về BHXH một lần quy định tại Điều 70, tại điểm d của dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Đại biểu chọn Phương án 1 bởi phương án này đảm bảo quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHXH, đồng thời giúp NLĐ được hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu và ổn định cuộc sống khi tuổi già. Ngoài ra, NLĐ trong thời gian mất việc, chưa có việc làm còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận |
Trong quy định về chế độ trợ cấp mai táng quy định tại điểm a khoản 1, Điều 83, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng người đang tham gia BHXH nếu không may bị chết thì thân nhân được hưởng chính sách này (không bắt buộc phải tham gia BHXH đủ 12 tháng) nhằm bảo đảm tính nhân văn của chính sách BHXH, đồng thời bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng, và có sự chia sẻ, tạo động lực khuyến khích NLĐ tích cực tham gia vào thị trường lao động, tích cực đóng và bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị về các quỹ thành phần của Quỹ BHXH tại Điều 116, cần bổ sung thêm quy định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một quỹ thành phần của Quỹ BHXH và bổ sung thêm một khoản vào Điều 116 là: “Giao Chính phủ quy định thứ tự hạch toán, phân bổ tiền đóng BHXH và tiền lãi chậm đóng BHXH vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH trong trường hợp người sử dụng lao động đóng BHXH không kịp thời”. Theo đại biểu, vì Luật BHXH quy định NLĐ và người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo đúng quy định. Thực tế, nhiều trường hợp người sử dụng lao động đóng BHXH không đầy đủ, tuy nhiên, không có quy định thứ tự hạch toán số thu tiền đóng vào từng quỹ BHXH. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định về thứ tự hạch toán vào các quỹ thành phần của quỹ BHXH.
Đối với quy định mức chi phí quản lý BHXH tại khoản 2 Điều 118, theo đại biểu Tráng A Dương nên chọn phương án 1. Phương án này có ưu điểm phù hợp với thực tiễn quản lý, thu chi chế độ BHXH; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của BHXH Việt Nam (thực hiện đồng thời cả nhiệm vụ thu, phát triển đối tượng và nhiệm vụ chi, phục vụ đối tượng thụ hưởng, đối tượng tham gia) với hiệu quả sử dụng chi phí quản lý…
Duy Tuấn (tổng hợp)