14:44, 07/11/2023
BHG – Hà Giang có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước với trên 20 nghìn ha và trên 7.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi trở lên. Với lợi thế về diện tích chè như trên, những năm qua, các cấp, ngành và các huyện, thành phố đã tập trung phát triển diện tích và chất lượng chè, ngoài đem lại giá trị kinh tế to lớn, cây chè còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương tại các vùng trồng chè.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Từ năm 2019-2022 Sở thực hiện nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ bền vững, gắn với phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hoá cộng đồng nhằm nâng cao giá trị, tạo thu nhập cho người sản xuất chè trên địa bàn tỉnh. Năm 2022 được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 1.324 cây Chè Di sản Việt Nam, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 1.629 cây tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và là tỉnh có số lượng Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất trong cả nước.
Các đoàn du lịch tham quan, khảo sát chè Shan tuyết tại xã Xuân Minh huyện Quang Bình |
Cùng với việc phát triển diện tích chè Shan tuyết, để nâng cao thu nhập cho nhân dân, tỉnh đã quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái, do vậy trong những năm gần đây tỉnh đã đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết gắn với thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái tại các vùng có diện tích chè Shan tuyết cổ thụ ở các địa phương tổ chức các tua, tuyến cho khách du lịch trải nghiệm như: Hà Giang-Hoàng Su Phì tại xã Thông Nguyên thăm vườn chè Shan tuyết cổ thụ, ruộng bậc thang; Hà Giang – Xín Mần thăm chè Shan tuyết cổ thụ, thác Tiên, đèo Gió; Hà Giang – Vị Xuyên thăm chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Cao Bồ, suối khoáng Quảng Ngần…tại các địa điểm đó không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng, du khách còn được trực tiếp cùng với người làm chè hoạt động sản xuất thu hái và chế biến chè.
Huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích chè 4.652,8 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 3.599 ha, năng suất 39 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi 14.000 tấn/năm. Các xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển chè của huyện và được đưa vào cây mũi nhọn phát triển hàng hóa là các xã có diện tích chè tập trung lớn như: Thông Nguyên; Hồ Thầu; Nậm Khòa; Nậm Ty; Nậm Dịch; Tả Sử Choóng. Bên cạnh phát triển sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết từng bước vươn ra các thị trường lớn, thì các vùng nguyên liệu chè trên địa bàn đều gắn với địa thế núi rừng trùng điệp, cùng nhiều điểm đến thu hút du khách. Chính vì vậy, du lịch vùng nguyên liệu chè Shan tuyết được huyện coi là một điểm nhấn sẽ được khai thác.
Các vùng chè Shen tuyết cổ thụ sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức chè. |
Phát biểu tham luận tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Đông Bắc gắn với Hội thảo chè Shan tuyết Hà Giang cuối tháng 10 vừa qua, đồng chí Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: Với lợi thế diện tích chè Shan tuyết cổ thụ lớn trên 100 năm tuổi khoảng 200 ha với 1.185 cây chè cổ thụ được chứng nhận Di sản sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, khí hậu mát mẻ quanh năm, hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc và đây cũng là nguồn nguyên liệu sản xuất ra các loại sản phẩm chè đặc sản để xuất khẩu đi ra các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản….và cũng là huyện có số lượng chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất toàn tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hợp tác xã, các công ty liên kết đưa sản phẩm chè đến các điểm du lịch sinh thái, đồng thời kết nối các HTX, Công ty là điểm dừng chân thưởng trà miễn phí cho các đoàn khách và được thăm quan nhà xưởng, được trải nghiệm các hoạt động thường nhật của người nông dân thu hái, chế biến chè tại chỗ nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh trà Shan tuyết đến với khách hàng.
Để cây chè trở thành sản phẩm du lịch thì các cấp, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm thăm quan từ đồi chè kết hợp với cơ sở sản xuất để du khách được trải nghiệm. Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi; đầu tư chăm sóc, bảo tồn và phát triển diện tích chè Shan tuyết cổ thụ đẹp, tạo không gian sinh thái nông nghiệp để thu hút khách du lịch. Xây dựng các nhà trưng bày các sản phẩm vừa thu hút khách nghỉ dưỡng, uống chè vừa giới thiệu và bán các sản phẩm chè, các dụng cụ uống chè độc đáo mang tính bản địa và các loại sản phẩm nông nghiệp độc đáo khác của địa phương Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên…
Với những lợi thế sẵn có, các huyện có diện tích chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến Hà Giang vừa được trải nghiệm, thưởng thức trà đặc sản vừa kết hợp khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc nơi đây. Hy vọng rằng, tiềm năng này sẽ được các cấp, ngành và đặc biệt là các huyện trồng chè chú trọng, quan tâm và khai thác tối đa những tiềm năng sẵn có này để Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn và độc đáo đối với du khách.
Bài, ảnh: Hồng Cừ