16:54, 28/10/2023
BHG – Sáng 28.10, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Văn hóa (VH) năm 2023 nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện về các giá trị VH, xây dựng và phát triển VH, con người Hà Giang trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí.
Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị. |
Thưa Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang!
Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương !
Thưa các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và quý đại biểu tham dự hội nghị!
Hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Hội nghị Văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, khẳng định quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII và phát biểu chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24.11.2021. Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và quý đại biểu lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa quý đại biểu! thưa các đồng chí!
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh; là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Hòa cùng dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã sắt son một lòng, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đồng thời bồi đắp nên kho tàng văn hóa độc đáo, thống nhất trong đa dạng, kết tinh vẻ đẹp, khí phách của đất và người Hà Giang.
Chúng ta vui mừng trước những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà đã đạt được. Kinh tế tiếp tục mức tăng trưởng khá; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm có bước phát triển quan trọng. An sinh xã hội được bảo đảm và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững; niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Đạt được những kết quả quan trọng như vậy, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, hiệu quả của Trung ương và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp; thì cội nguồn sâu xa chính là ở giá trị, sức mạnh nền tảng của văn hóa và con người Hà Giang.
Nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, từng bước củng cố hành lang pháp lý; triển khai những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ từng bước được nâng cao. Sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị, trực tiếp góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa được tăng cường, các thiết chế văn hóa có bước phát triển đáng mừng. Văn hóa cơ sở, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa học đường được quan tâm thúc đẩy. Phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được chú trọng triển khai, đạt được những kết quả thiết thực. Tỉnh ủy đã ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết về thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần cải thiện, nâng cao môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa ở các địa phương.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang qua các thế hệ đã đạt được, nhất là trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang.
Thưa quý vị đại biểu! Thưa các đồng chí!
Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tôi đề nghị, sau hội nghị hôm nay, tỉnh tập trung nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm sau đây:
Trước hết là nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hà Giang. Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn, sâu sắc và toàn diện nhằm chấn hưng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đồng thời, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam. Xác định rõ, xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh.
Thứ hai, Tập trung triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cơ bản mà Đảng ta nhấn mạnh tại Đại hội XIII; được Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ và chỉ đạo rất sâu sắc tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Trong thời gian tới, Tỉnh cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống của đồng bào, trở thành mục tiêu và động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang thống nhất trong đa dạng. Phát huy vai trò của gia đình, trường học, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người phát triển toàn diện.
Thứ ba, Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phù hợp với văn hóa của từng địa phương, từng dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của 19 dân tộc anh em, gắn với triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy mạnh mẽ vai trò của chủ thể văn hóa trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo công bằng, hài hòa, thúc đẩy đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc. Tăng nguồn lực đầu tư bền vững từ ngân sách của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đúng hướng nhằm huy động các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Giang. Tập trung bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử trở thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng của quê hương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Khai thác có hiệu quả giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tập trung xử lý hài hòa mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn với phát huy, khai thác kho tàng di sản để truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Thứ tư, Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trung ương; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, để văn hóa thực sự là nền tảng, hệ điều tiết trong xử lý hài hòa các mối quan hệ, góp phần yên dân, xây dựng và củng cố vững chắc thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế. Chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh, nhất là đội ngũ kế cận. Trước mắt, cần tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh và các Hội Nghệ nhân dân gian; gắn với xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển văn học, nghệ thuật, nhất là văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Thứ sáu, Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại. Tỉnh cần nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế về vị trí địa lý giáp với nước bạn Trung Quốc; đồng thời sở hữu Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và Di sản thực hành Then của dân tộc Tày, Nùng Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 10 tỉnh, thành trong cả nước, từ đó tăng cường kết nối vùng, liên vùng và với các quốc gia, tổ chức quốc tế để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Giang.
Thứ bảy, tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Hà Giang thông qua hoạt động truyền thông, đặc biệt là quảng bá các di sản văn hóa riêng có của Hà Giang.
Thưa quý vị đại biểu! Thưa các đồng chí!
Hà Giang là một trong những địa phương vinh dự khi được đón Bác Hồ về thăm và Người đã để lại 8 điều căn dặn quý báu với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Trong đó, Bác nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Vì vậy nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không nóng vội, chủ quan, và quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ của con người Hà Giang.
Trên nền tảng những thành tựu quan trọng đã đạt được; với quyết tâm chính trị lớn và nhất là sự hội tụ truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc anh em, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà sẽ đạt được những kết quả đột phá quan trọng trên lĩnh vực này trong thời gian tới, để tiếp tục đưa Hà Giang phát triển nhanh và bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tôi xin chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng quý vị đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghệ nhân dân gian và toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi!
Xin trân trọng cảm ơn!