10:16, 26/10/2023
BHG – Mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất trồng ngô sang trồng ớt xiêm đem lại thu nhập cao. Chàng thanh niên Thò Mí Già, thôn Thâm Luông, xã Du Già (Yên Minh) đã thể hiện tinh thần xung kích, đi đầu, dám nghĩ, dám làm của thế hệ trẻ, trở thành người Mông tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Thò Mí Già sinh năm 1999, hiện là Bí thư Chi đoàn thôn Thâm Luông. Sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, phục vụ Tổ quốc, đầu năm 2022 Già xuất ngũ trở về địa phương. Già chia sẻ: Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương em cảm thấy nếu chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa sẽ không đem lại giá trị kinh tế cao, cần phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác và thay đổi tư duy sản xuất. Vì vậy em quyết định chuyển đổi gần 1ha đất trồng ngô và cỏ kém hiệu quả của gia đình sang trồng ớt.
Mô hình chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng ớt của Thò Mí Già (giữa) đã khẳng định hiệu quả kinh tế. |
Nghĩ là làm, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Già tự mình nhân giống ớt từ cây trong vườn nhà và nghiên cứu kỹ thuật, phương pháp trồng, chăm sóc ớt trên mạng internet. Tháng 2.2023, mô hình trồng ớt của thanh niên Thò Mí Già chính thức hình thành. Sau 6 tháng, cây ớt bắt đầu cho thu hoạch. Tính đến giữa tháng 10, sản lượng đạt khoảng 70kg quả, giá bán bình quân khoảng 25 – 30 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập gần 20 triệu đồng cho gia đình.
Nói về quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của mình, Già tâm sự: Lúc đầu gia đình em cũng không đồng tình vì chưa trồng ớt với số lượng lớn bao giờ nên nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của nó. Hơn nữa, với người Mông chúng em cây ngô không chỉ là cây lương thực chính mà còn phục vụ chăn nuôi nên chuyển đổi 1ha đất trồng ngô sang trồng ớt khiến mọi người trong nhà rất lo lắng. Tuy nhiên đến nay tất cả đều ủng hộ em khi thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Điều đặc biệt trong mô hình chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng ớt của Thò Mí Già là 100% cây giống do em tự ươm hạt từ một số cây ớt đang trồng tại vườn nhà. Phân bón cho cây sử dụng chủ yếu là phân chuồng hoai mục từ chăn nuôi của gia đình. 100% công sức trồng, chăm sóc đều huy động nhân lực trong gia đình nên chi phí thực hiện mô hình rất thấp, nhưng hiệu quả kinh tế đã được khẳng định. Theo tính toán của Già, vụ ớt này có thể đem lại thu nhập cho gia đình trên 30 triệu đồng, gấp 2 – 3 lần so với trồng ngô.
Được biết, gia đình Già đang tiếp tục chuyển đổi thêm 1ha đất trồng ngô sang trồng giống ớt chỉ thiên (ớt gió) và liên kết với một HTX để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Ngoài mở rộng mô hình của gia đình, Già sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác trong thôn, xã muốn trồng ớt, giúp các hộ có thêm thu nhập. Đồng thời có thể tiến tới thành lập nhóm sở thích, tổ hợp tác trồng ớt hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm ớt địa phương hướng tới mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh. Tuy nhiên để làm được điều này, Già mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn của huyện trong khâu kỹ thuật, quảng bá sản phẩm và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND xã Du Già Hoàng Minh Trường cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đang được tỉnh và huyện đặc biệt quan tâm. Mô hình chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng ớt của thanh niên Thò Mí Già được xã đánh giá rất cao và biểu dương, khuyến khích người dân học tập, nhất là lực lượng thanh niên trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền xã rất mong mô hình sẽ đem lại hiệu quả bền vững, tạo sự lan tỏa trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị canh tác trên địa bàn xã.
Bài, ảnh: LƯƠNG HÀ