Vải lanh của dân tộc Mông ở huyện Quản Bạ trong những năm gần đây đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Bởi sự độc đáo, mỗi sản phẩm đều có những đường nét hoa văn riêng biệt, không hề trùng lặp, được làm thủ công bằng đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông.
Thường xuyên mang sản phẩm OCOP làm từ vải lanh đi quảng bá, giới thiệu ở các hội chợ thương mại, các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. Cô Giàng Thị Máy, thành viên HTX sản xuất vải lanh xã Cán Tỷ (Quản Bạ) chia sẻ: “Hiện nay HTX có các sản phẩm như ví dài, ví kính, tranh treo, vỏ gối… đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhiều sản phẩm khác như quần, áo, vải trang trí, túi xách các loại, thú bông đồ chơi… dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Những năm gần đây, các thành viên HTX đã đi học hỏi ở nhiều nơi để cải tiến mẫu mã của sản phẩm và đã được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận”.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm lanh OCOP của Hợp tác xã sản xuất vải lanh xã Cán Tỷ (Quản Bạ). |
Hiện nay, thị trường có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm thủ công truyền thống, do đó giá trị của các sản phẩm làm từ vải lanh ngày càng được nâng cao. Chị Nguyễn Thị Hà, một du khách đến từ Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi rất yêu thích các sản phẩm thủ công như túi xách lanh, các sản phẩm đều rất đẹp, hoa văn hợp thời trang. Mỗi chiếc túi đều có những hoa văn khác nhau do từng người thợ sáng tạo ra, do đó chúng càng có giá trị không chỉ về thẩm mỹ mà còn nhờ sự độc đáo, riêng biệt này”. Nhắc đến sản phẩm lanh, phải nhắc đến nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Với điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, người Mông ở vùng cao đã tận dụng từng hốc đá để trồng cây lanh, rồi sáng tạo ra sản phẩm vải lanh với 21 công đoạn tỉ mỉ từ gieo trồng cho đến khi làm ra một tấm vải. Trong lịch sử lâu đời của dân tộc Mông, vải lanh có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống. Cùng với sự phát triển KT-XH của địa phương, năm 2016, Bộ VH,TT&DL đã công nhận kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, vải lanh đang ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng tại các thị trường trong và ngoài nước. Đây đang là một trong những mặt hàng truyền thống phát huy được thế mạnh, đóng góp vào sự phát triển KT-XH tại địa phương.
Trình diễn dệt vải lanh. |
Đến nay, các sản phẩm từ vải lanh đã được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới biết đến và ưa chuộng. Mọi người đều biết đến câu chuyện truyền cảm hứng của “Quý bà vải lanh” Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX dệt lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám. Là người đầu tiên chung tay cùng chính quyền địa phương khôi phục và phát triển nghề dệt lanh tại địa phương và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc Mông, góp phần vào công tác bình đẳng giới tại địa phương. Hiện nay, các sản phẩm vải lanh của huyện Quản Bạ đã được xuất khẩu đi các nước như Pháp, Ý, Malaysia… xuất hiện trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, để dùng trang trí nội thất; xuất hiện trong các bộ sưu tập thời trang nổi tiếng thế giới.
Giá trị của các sản phẩm lanh OCOP ngày càng được nâng cao, nhiều người tiêu dùng đã biết tới các sản phẩm vải lanh, biết về nguồn gốc, quy trình làm ra một tấm vải lanh và yêu quý các sản phẩm lanh của đồng bào dân tộc Mông. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, các sản phẩm từ vải lanh như khăn, áo, váy, túi xách… đã được bán rộng rãi để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bằng nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, nghề dệt lanh truyền thống của Quản Bạ đã có cơ hội để hội nhập, vươn ra thế giới.
Bài, ảnh: LÊ HẢI