Powered by Techcity

Khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ: Kỳ cuối: Thăm bản làng, nghe… mái nhà, bờ rào đá kể chuyện

14:54, 04/10/2023

BHG – Nếu “thiên đường đá” trải ra biết bao hùng quan kỳ vĩ làm du khách choáng ngợp; thì những mái nhà, bờ rào đá, bức vách trình tường… lại khiến chúng tôi như bị thôi miên khi “lỡ” lạc vào miền di sản văn hóa đầy quyến rũ và không kém phần huyền bí!

“Check – in” nhà của Pao, Dinh thự nhà Vương

Xem phim Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải, ra mắt năm 2006) và bị mê hoặc bởi nét trong trẻo của Pao (diễn viên Đỗ Hải Yến) cùng những cảnh phim Cao nguyên đá hùng vĩ mà gai góc, đẹp đến nao lòng. Như lời của Pao “Nhà của tôi có ô cửa vuông nhìn ra vườn cải…”, ngôi nhà quay phim “Chuyện của Pao” ở xã Sủng Là (Đồng Văn) hiện tại không khác mấy trong phim, với 3 dãy hình chữ U, mái ngói âm dương, vách trình tường, cột gỗ kê trên đá tảng chạm khắc hoa văn, đá cũng được dùng lát sân. Bờ rào đá như còn vọng tiếng sáo của chàng trai da diết…





Người thợ dùng vồ nện đất làm nhà trình tường.
Người thợ dùng vồ nện đất làm nhà trình tường.

Nhà của Pao mở ra nhiều cơ hội làm ăn, các dịch vụ cho thuê trang phục, buôn bán dược liệu, vườn hoa cho khách chụp hình… Chúng tôi nhận thấy, nhiều bản làng ở Cao nguyên đá Đồng Văn đã sớm khai phá những giá trị văn hóa truyền thống bản địa và “rất biết cách” biến nó thành sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo. Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, nơi sinh sống của phần lớn đồng bào người Lô Lô là một ví dụ. Lô Lô Chải hấp dẫn chúng tôi bởi nét văn hóa truyền thống đặc trưng và người dân thân thiện, mến khách. Từ ngày khách du lịch về làng, người Lô Lô “biến” những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá… thành homestay, thành sản phẩm du lịch. Chúng tôi cảm nhận được du lịch cộng đồng đang tô điểm cho bức tranh cuộc sống nơi cao nguyên thêm sống động và đầy cuốn hút. Du lịch cũng góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất tưởng chỉ có núi đá khô cằn miền cực Bắc.

Nếu nhà của Pao là nơi “nhất định phải ghé thăm” mang đến nhiều hoài niệm, thì Dinh thự nhà Vương (hay Khu di tích lịch sử nhà Vương thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) là điểm đến khiến du khách cảm giác như được bước vào một “vương quốc” đầy quyền uy một thời vang bóng. Nhìn từ Quốc lộ 4C, Dinh thự nhà Vương nổi bật giữa thung lũng với rừng Sa mộc cổ thụ xanh thẳm. Nét độc đáo ở công trình kiến trúc hình chữ “Vương” là dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc, có lỗ châu mai và những bốt canh gác. Du khách lần lượt bước vào ngạch cửa 3 ngôi nhà: Nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai nhà phụ song song nhau và vuông góc với nhà chính. Tất cả từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều được làm bằng gỗ quý, chạm khắc tinh xảo từ những tốp thợ người Mông giỏi nhất. Nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa và người Mông thể hiện ở những bờ rào đá. Đặc biệt là những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Hay những viên đá xanh, những cột gỗ Sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm – dương…

Tại đây, còn lưu giữ nhiều hình ảnh của gia đình và của ông Vương Chí Sình khi tham gia cách mạng đã trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II của nước ta. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn. Nhờ có nhiều công lao với cách mạng, ông vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Vương Chí Thành và trao tặng tám chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” (Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ ) cùng 1 thanh kiếm. Ông Vương Chí Sình là con trai của “vua Mèo” Vương Chính Đức. Ngày ấy, nhận thấy được vai trò của ông Vương Chính Đức và lực lượng vũ trang người Mông nơi địa đầu Tổ quốc, Bác Hồ đã rất quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số, vào khoảng năm 1945 Bác đã cử đại diện của Việt minh lên đón “vua Mèo” về Thủ đô để bàn việc nước. Tuy nhiên, lúc này tuổi của ông Vương Chính Đức đã cao (81 tuổi) nên ông đã ủy quyền cho con trai là Vương Chí Sình đi thay để đến tiếp kiến Cụ Hồ.

Những nốt nhạc vui giữa bao la núi đá

Cũng như di tích lịch sử nhà Vương, ngôi nhà quay phim “Chuyện của Pao” vẫn luôn giữ được hình dáng xưa cũ cùng với những giá trị lịch sử, những bản làng nơi Cao nguyên đá luôn có sức dấp dẫn đối với chúng tôi. Như bánh Tam giác mạch càng ăn càng cảm nhận dư vị ngòn ngọt “bắt ghiền” của nó, khi “lạc bước” tới bản làng này lại thôi thúc chúng tôi chạy tới bản làng khác. Nét mộc mạc mà thơ mộng của bản làng như những nốt nhạc viết lên Cao nguyên đá giai điệu cuộc sống sinh động và đầy cuốn hút.

Nhiều người lớn tuổi nói vui: “Giọng miền Nam khó nghe lắm”, nhưng rất vui kể chuyện gieo lúa, trồng ngô dưới vườn lê, đào trái trĩu cành. Từ những bản làng xa xôi, khó gọi tên, trong hành trình trên Cao nguyên đá chúng tôi đã kịp ghé thăm, thân quen và sẽ nhớ lắm khi xuôi đồng bằng. Nhớ Na Khê, Lao Và Chải, Tráng Kìm, Pả Vi, Xín Cái, Sơn Vĩ… đồi ngô xanh mướt, hoa bí nở vàng trên triền đá gọi mùa no ấm. Nhớ Phố Cáo, Sủng Là, Má Lé… những bờ rào đá, mái nhà rêu phong bình yên chốn thung sâu hay bên sườn núi cheo leo.





Một homestay ở thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) với mái lá, vách trình tường đẹp như trong tranh.
Một homestay ở thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) với mái lá, vách trình tường đẹp như trong tranh.

Và nhớ lắm một hôm ở thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ) giữa thung lũng mơ màng dưới chân núi đôi, anh Lý Đạch pha ấm trà đậm đặc mời chúng tôi “uống chén chè cho ấm”. Nhà anh Lý Đạch mở homestay đón du khách từ nhiều năm trước, bị “sựng lại” khi dịch COVID-19 và bảng hiệu “cũng tháo cất rồi”. Nhưng hiện tại, “tôi đang xây thêm 4 căn phòng vách trình tường, lót gạch men… Khách nước ngoài rất thích ở thôn mình, nhất là dịp Tết cùng vào bếp làm bánh, nấu ăn. Muốn ăn gà thì mình bắt gà thịt ăn thôi”- anh Lý Đạch thật thà. Sự mộc mạc của bà con đã đưa du khách trở lại làng, nhiều bà con trong thôn đã sửa sang, xây thêm phòng mới. Hai người con của anh Lý Đạch có gia đình ra riêng cũng mở homestay gần đấy.

Trên bức vách trình tường còn dang dở, sáng nay, nhóm thợ tiếp tục làm chiếc khuôn gỗ, rồi gùi đất đổ vào khuôn và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Anh Phan Sài – một người thợ vồ nện đất vách trình tường lành nghề, cho biết: “Khâu nện đất trình tường phải làm kỹ lắm, tường mới đứng vững cả trăm năm được. Nhà trình tường hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ. Để tạo nên những bức tường dày tới vài gang tay, thường chọn loại đất có kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác”. Xây nhà trình tường tốn kém và kén thợ hơn, nhưng theo anh Lý Đạch chính quyền vận động và bà con đồng lòng giữ gìn kiểu kiến trúc truyền thống và ai xây nhà mới cũng phải tuân thủ quy định đó.

Toàn thôn Nặm Đăm có 60 hộ đều là người dân tộc Dao, trong đó nhiều hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách. Dù chúng tôi là khách qua đường ghé lại, anh Lý Đạch cũng nhiệt tình mời dùng cơm sáng và lên nương hái ngô cùng. Gia đình anh có vài khoảnh ruộng dưới chân núi Đôi, bắp đem về phơi đầy sân nhưng anh Lý Đạch vẫn lắc đầu: “Mùa ngô kém lắm. Mưa ít, nên trái bé thôi”.

Đời sống sản xuất của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nắng mưa của ông trời, nhưng những giải pháp đúng đắn chính quyền cùng nhận thức của đồng bào phát huy giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc mình đã mở ra hướng phát triển mới, bền vững hơn. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của người Dao nơi đây ngày một khấm khá.

Đối với chúng tôi, thưởng thức các món ăn cũng là trải nghiệm đầy thách thức như khi vượt qua những cung đường đèo dốc. Món bánh cuốn trứng tráng, bún chả chấm (hoặc khô), thắng dền… “dễ ăn” như qua thung lũng êm đềm; mèn mén, cháo ấu tẩu… vừa ăn vừa hỏi “có tác dụng gì không” như xe đang leo dốc; thưởng thức phở gà (hoặc bò) nóng hổi như đang chiêm ngưỡng hùng quan trên đỉnh núi đá cao nhất. Nhưng “cảm giác mạnh” như leo dốc Thẩm Mã và “nín thở” thả đèo Mã Pì Lèng phải là món thắng cố ở Phố cổ Đồng Văn, mặc dù không phải “thắng cố nguyên chất” vì các nhà hàng đã chế biến “cho khách miền xuôi dễ ăn” với nhiều gia vị kèm rau xanh phong phú, nhưng xin cam đoan rằng bạn sẽ không thể nào quên cái mùi vị đặc trưng của nó!

Khác với mùa Đông chỉ một màu đá xám xịt, hạt bí, hạt ngô không nảy mầm được; mùa này cây cối phủ một màu xanh bất tận tràn đầy sức sống trên Cao nguyên đá. Đồng bào nơi cao nguyên đã bắt núi đá phải nở hoa. Chúng tôi chợt nghĩ đó là một tuyệt tác kỳ vĩ khác bàn tay con người làm nên, trong cuộc mưu sinh “lấy sức người gặt sức thiên nhiên” đầy phi thường. Để có một màu xanh trên núi đá, người đồng bào phải còng lưng gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá, để có đất tra từng hạt ngô. Mỗi hạt ngô, hạt thóc làm ra là bao giọt mồ hôi thấm vào đất đá!

Những câu chuyện cuộc sống phi thường như vậy luôn níu bước chúng tôi bước vào từng “trang sách đá” và đã đi giáp một vòng Cao nguyên đá. Nên dù không đúng dịp chợ phiên, chưa đến mùa hoa Tam giác mạch, cũng không phải mùa hoa đào, hoa mận… Cao nguyên đá vẫn đầy sức hấp dẫn. Lấy văn hóa để phát triển du lịch và phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, đó là hướng đi đúng của tỉnh Hà Giang. Qua đó, mở ra “cổng trời” cho du khách bước vào khám phá miền di sản Cao nguyên đá, hòa vào giai điệu cuộc sống trên núi đá cùng tiếng đàn môi bên bờ rào đá gọi mời tha thiết.

Đã xa Cao nguyên đá, mà thanh âm núi rừng còn vang vọng “ai cười khúc khích trong ngô”!

Bài, ảnh:  TRẦN PHƯỚC  (Báo Vĩnh Long)

 



Nguồn

Cùng chủ đề

Sắp xếp, hợp nhất các tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được triển khai quyết liệt. Tại tỉnh Hà Giang cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp bộ máy của các sở, ban, ngành và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Chủ trương này nhận được sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.   Việc sắp xếp, tinh...

Hội nghị Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp trên địa bàn tỉnh

14:08, 23/12/2024 BHG - Sáng 23.12, Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức Hội nghị Văn phòng điều phối NTM các cấp trên địa bàn tỉnh, đánh giá kết quả xây dựng NTM năm 2024. Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh; Ngô Văn Thương, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có thường trực UBND các huyện, thành phố, các phòng nghiệp...

Khai mạc lớp bồi dưỡng cán bộ Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số...

14:13, 23/12/2024 BHG - Sáng 23.12, tại Hà Nội, Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 1 tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng cán bộ Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang (lớp thứ nhất). Dự khai mạc có đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy; PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện...

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng

13:53, 23/12/2024 BHG - Sáng 23.12, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy dự và phát biểu chỉ đạo. Các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ và các Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì hội nghị; cùng dự có Thường trực các...

Làng văn hóa du lịch cộng đồng điểm đến không thể bỏ lỡ

09:54, 23/12/2024 BHG - Trên hành trình khám phá vùng đất Hà Giang tươi đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, những làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) chắc chắn sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ đối với mỗi du khách khi đặt chân đến nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc. Du khách có dịp đến thăm Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn), ghé vào Làng VHDLCĐ thôn Lô Lô Chải,...

Cùng tác giả

Sắp xếp, hợp nhất các tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được triển khai quyết liệt. Tại tỉnh Hà Giang cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp bộ máy của các sở, ban, ngành và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Chủ trương này nhận được sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.   Việc sắp xếp, tinh...

Công bố báo cáo Đánh giá đa ngành phục hồi sau bão Yagi của Việt Nam

Cuộc họp nhằm tổng kết kết quả đạt được trong các nỗ lực chung giảm thiểu và khắc phục hậu quả sau thiên tai, trong đó có đề cập đến các nỗ lực ứng phó và cứu trợ sau bão Yagi – cơn bão lớn và gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhân...

Hội nghị Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp trên địa bàn tỉnh

14:08, 23/12/2024 BHG - Sáng 23.12, Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức Hội nghị Văn phòng điều phối NTM các cấp trên địa bàn tỉnh, đánh giá kết quả xây dựng NTM năm 2024. Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh; Ngô Văn Thương, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có thường trực UBND các huyện, thành phố, các phòng nghiệp...

Khai mạc lớp bồi dưỡng cán bộ Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số...

14:13, 23/12/2024 BHG - Sáng 23.12, tại Hà Nội, Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 1 tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng cán bộ Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang (lớp thứ nhất). Dự khai mạc có đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy; PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện...

Ocean City tổ chức hội chợ xuân Giảng Võ, quy tụ gần 200 gian hàng Việt Nam và Quốc tế

Hội chợ diễn ra từ 18/01/2025 đến hết ngày 16/03/2025 với quy mô gần 200 gian hàng đặc sắc của Việt Nam và quốc tế, Hội chợ Xuân Giảng Võ 2025 hứa hẹn trở thành điểm đến du Xuân không thể bỏ qua của hàng triệu du khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Hội chợ Xuân Giảng Võ là “món ăn tinh thần” quen thuộc của người dân Thủ đô vào mỗi dịp Tết cổ truyền, cũng là...

Cùng chuyên mục

Làng văn hóa du lịch cộng đồng điểm đến không thể bỏ lỡ

09:54, 23/12/2024 BHG - Trên hành trình khám phá vùng đất Hà Giang tươi đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, những làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) chắc chắn sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ đối với mỗi du khách khi đặt chân đến nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc. Du khách có dịp đến thăm Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn), ghé vào Làng VHDLCĐ thôn Lô Lô Chải,...

Hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ...

12:26, 14/12/2024 BHG - Ngày 13.12, tại tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Đến dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch các tỉnh: Phú Thọ, Lào  Cai, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang...

Điều kiện người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam

CGTĐT - Trong thời gian gần đây lượng khách du lịch ngoại quốc đến với tỉnh Hà Giang ngày càng tăng. Trong đó, lượng khách đi du lịch bằng xe máy, mô tô chiếm khá đông. Nhằm tăng cường tuyên truyền Luật giao thông tới du khách, Cổng giao tiếp điện tử đăng tải Quy định điều kiện người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. ...

Bước tiến vững chắc phát huy giá trị Công viên Địa chất Đồng Văn

21:04, 11/12/2024 BHG - Trên nền tảng Nghị quyết 19-NQ/TU của tỉnh, đã tạo ra những bước tiến vững chắc trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; khẳng định quyết tâm của địa phương và sự đồng lòng của cộng đồng trong phát triển vùng Cao nguyên đá. Ngay sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 26.11.2021 về bảo tồn, tôn tạo và...

 “Dải lụa xanh” dưới chân đèo Mã Pì Lèng

20:33, 10/12/2024 BHG - Nhìn từ trên cao, lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1 (Mèo Vạc) như một dải lụa xanh dưới chân đèo Mã Pì Lèng. Với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng, điểm du lịch này đã trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách khi đặt chân tới Cao nguyên đá. Để khám phá lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1, du khách di chuyển theo hướng...

Chinh phục vách đá trắng cheo leo giữa núi rừng Hà Giang

Nằm cheo leo giữa núi rừng Hà Giang hoang sơ, vách đá trắng là điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích khám phá mạo hiểm. Vách đá trắng nằm trên đường đèo Mã Pí Lèng, giữa xã Pải Lủng và xã Pả Vi huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Được mệnh danh là vách đá tử thần, nơi đây là địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích mạo hiểm, khám phá vì sự cheo leo và nguy...

Nhộn nhịp mùa thu hoạch mật ong hoa bạc hà trên cao nguyên đá

CGTĐT - Hàng năm, cứ mỗi độ đông về những bông hoa bạc hà ánh tím lại nở rộ khắp miền cao nguyên đá, một loài hoa đem đến dư vị ngọt ngào của núi rừng Hà Giang những ngày đông giá lạnh. Cây hoa bạc hà, loài hoa chỉ mọc ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Cây hoa bạc...

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn và công bố danh mục nghệ thuật trình diễn dân gian hát Páo dung của người...

CGTĐT - Tối 16/11, tại Quảng trường 1-5, huyện Quang Bình long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ hội đua thuyền huyện Quang Bình lần thứ IX năm 2024; Công bố danh mục Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Páo dung của người Dao tỉnh Hà Giang. Tham dự có đồng chí: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng...

Sẵn sàng đón khách du lịch mùa cao điểm

20:16, 11/11/2024 BHG - Vừa qua, du lịch (DL) Hà Giang chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa, lũ, một số sự kiện văn hóa phải dừng tổ chức, nhiều lượt khách thay đổi lịch trình. Tuy nhiên, dịp cuối năm là thời điểm DL Hà Giang vươn mình trở lại, sẵn sàng những điều kiện tốt nhất đảm bảo an ninh, an toàn và điều kiện lưu trú để du khách yên tâm tận hưởng trong thời gian khám...

Những dấu ấn qua 10 năm xây dựng “Miền hoa thương nhớ”

16:16, 11/11/2024 BHG - Được tổ chức lần đầu tiên năm 2015, trải qua một thập kỷ với những nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân, Lễ hội hoa Tam giác mạch trở thành thương hiệu nhận diện của du lịch (DL) Hà Giang, để mỗi dịp chớm Đông, những nụ Tam giác mạch tím, hồng bung nở, nhẹ nhàng lay động trong gió núi, níu hồn người vào hương sắc cao nguyên. Trước đây,...

Tin nổi bật

Tin mới nhất