14:35, 22/08/2023
BHG – Cơ cấu lại nông nghiệp là việc làm thiết thực nhằm tạo ra sự đổi mới về chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo, gắn với xây dựng Nông thôn mới của huyện Đồng Văn.
Người dân xã Tả Lủng chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng Sâm khoai mang lại hiệu quả cao. |
Để cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, huyện Đồng Văn đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá. Trong đó, thực hiện đột phá về tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân; tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp. Đến nay, toàn huyện cải tạo được 347/ 345 hộ, đã có 314 vườn cho thu nhập, trung bình mỗi hộ 18 triệu đồng/vườn/năm. Song song với đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng khí hậu trong giai đoạn 2021-2025 như: Phát triển cây trồng hàng hóa tập trung chất lượng cao; phát triển vùng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp tại thị trấn Phố Bảng, xã Phố Là; phát triển trồng cây ăn quả, hoa, rau chuyên canh phục vụ du lịch và phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Hiện, diện tích rau chuyên canh được duy trì tại một số xã, thị trấn, đồng thời huyện thực hiện hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 123,5 ha, gồm: 70 ha rau chuyên canh, 34 ha Sâm khoai, 4 ha Hướng dương; 4 ha Dâu tây; 72 ha cây quả tập trung gồm cây lê, cây mận và cây Hồng không hạt; 5 ha Ớt gió. Bình quân mỗi ha diện tích chuyển đổi cho thu nhập trên 150 triệu đồng, cao gấp 6 đến 7 lần so với trồng ngô. Ngoài ra, đã xây dựng được 57 dự án hỗ trợ cộng đồng về phát triển chăn nuôi. Hiện, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 trang trại lợn, 1 trang trại gà cung cấp giống; duy trì hoạt động 77 mô hình chăn nuôi hàng hoá tại18 xã, thị trấn. Ước tính đến hết năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân đàn gia súc đạt 2,4%/năm, đàn gia cầm đạt 4,1%/năm.
Xác định phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn an toàn gắn với thương hiệu, chỉ dẫn địa lý là hướng đi đúng, huyện đã và đang duy trì, củng cố hoạt động của 29 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác và 89 nhóm sở thích nhằm thực hiện các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm đặc trưng: Mật ong, Tam giác mạch, Ớt gió, vải lanh, chè, bánh đá, Sâm khoai… Ngoài ra, hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng như thịt bò và nông sản với các chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị mini tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được đẩy mạnh. Huyện cũng hỗ trợ nâng cấp, xây dựng 7 dự án liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm đặc trưng: Mật ong hoa Bạc hà, bò Vàng, lợn đen, quả lê, Tam giác mạch, Sâm khoai, miến dong từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện, huyện có tổng số 27 sản phẩm được chứng nhận gồm: 1 Chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả lê Đồng Văn; 6 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu; 18 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Đã có 11 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử; 7 doanh nghiệp, HTX lên sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử, phiên chợ khuyến nông.
Ngoài ra, Đồng Văn tập trung phát triển cây trồng hàng hóa chất lượng cao, cây ăn quả, rau hoa để phát triển du lịch. Đã thực hiện chuyển đổi 39 ha đất trồng ngô sang trồng 15 ha rau chuyên canh; 1 ha hoa Hướng dương tại 2 xã Phố Cáo và Lũng Táo. Duy trì 70 ha rau chuyên canh tại 13 xã, thị trấn; 34 ha Sâm khoai tại 11 xã, thị trấn. Hàng năm, trồng 250 ha Tam giác mạch, trong đó vùng trọng điểm gắn với trồng rau, hoa Cải, củ Cải 30 ha/12 xã, thị trấn. Tiếp tục trồng mới 22 ha cây lê ăn quả tập trung, duy trì chăm sóc 105 ha cây ăn quả lê, mận, Hồng không hạt gắn với phát triển du lịch, trong đó có 70 ha trồng cây ăn quả tập trung được chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo VietGAP.
Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, nhằm bảo đảm cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, như: Đổi mới các chính sách hỗ trợ; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tìm kiếm thị trường; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
Bài, ảnh: MY LY