10:20, 28/11/2023
BHG – Chiều 27.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp tập trung tại hội trường nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy thông tin: Ngày 26.10.2023, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ngày 14.11.2023, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) |
Cụ thể, về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), tiếp thu ý kiến ĐBQH và dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: Phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.
Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Mục 1, Chương IV), dự thảo luật đã được rà soát chỉnh lý các quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 35 về kịch bản nguồn nước để làm rõ hơn nội hàm, nội dung của kịch bản nguồn nước và làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc phối hợp điều hòa, phân phối tài nguyên nước và chủ động khai thác hiệu quả nguồn nước được phân phối tại khoản 6 và khoản 7 Điều 35. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung của kịch bản nguồn nước tại khoản 8 Điều 35 để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện, chủ động được nguồn nước, sử dụng hiệu quả kinh tế nước và đảm bảo an ninh nguồn nước.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được trình chiếu trực tiếp tại phiên họp |
Với ý kiến bổ sung quy định liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2, Chương IV), UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định điểm d khoản 1 Điều 41 và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42. Do đó, xin được giữ như dự thảo luật.
Về ý kiến đề nghị rà soát các quy định liên quan để quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất, thông số quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác nước cho sinh hoạt. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý, quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 51.
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) |
Về kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước (Mục 3, Chương IV) có ý kiến đề nghị quy định cụ thể quy mô lớn, vừa và nhỏ của công trình khai thác tài nguyên nước để dễ áp dụng. UBTVQH thấy rằng, ý kiến ĐBQH là xác đáng. Tuy nhiên, do tài nguyên nước ở Việt Nam biến động rất lớn theo không gian (theo vùng, miền, tỉnh), thời gian (theo mùa) và ảnh hưởng lớn bởi nguồn nước từ nước ngoài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đồng thời quy mô khai thác của công trình phụ thuộc vào mục đích khai thác, loại nguồn nước khai thác (nước mặt, nước dưới đất, nước biển), loại hình công trình khai thác nước (đập, hồ chứa, trạm bơm, cống…) nên khó quy định cụ thể quy mô công trình khai thác tài nguyên nước trong dự thảo luật. Vì vậy, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt trong xác định quy mô công trình, phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm tính khả thi.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động quy định tại Điều 72 và Điều 74 dự thảo luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm…
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 86 điều, bổ sung 7 điều, bỏ 4 điều, tăng 3 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này. Với 468 đại biểu/472 đại biểu dự phiên họp tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Sau nội dung biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội tiếp tục nội dung thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Duy Tuấn (tổng hợp)