Những món ẩm thực đặc trưng mang mạch nguồn văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang trở thành đặc sản, làm say lòng thực khách khi đến nơi đây.
Hà Giang mời gọi du khách mọi miền trong hành trình khám phá miền đất hùng vĩ, thơ mộng với những trải nghiệm vô cùng thú vị và ẩm thực độc đáo.
Thắng cố, Mèn mén, xôi ngũ sắc, thịt treo, lợn cắp nách, chè Shan tuyết cổ thụ, cháo Ấu tẩu, bánh Tam giác mạch – những món ẩm thực đặc trưng mang mạch nguồn văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang trở thành đặc sản, làm say lòng thực khách khi đến nơi đây.
Hiện nay, Hà Giang có 4 món ăn gồm Mèn mén, Cháo Ấu tẩu, Thắng cố và Thịt lợn cắp nách lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam.
Mèn mén
Mèn mén là món ăn đặc trưng của người Mông được làm từ bột ngô. Những người già trong làng kể rằng là đàn ông Mông thì phải biết cày trên nương đá, là đàn bà Mông phải biết nấu rượu ngô, dệt vải lanh và nấu Mèn mén.
Để có được món Mèn mén thơm ngon, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ như lựa chọn những bắp ngô già, tẽ ngô, xay ngô bằng cối đá để hạt ngô mịn, sàng, sảy ngô loại bỏ mày ngô, trộn bột ngô với nước, đồ ngô trên bếp lửa.
Trong mỗi công đoạn lại đòi hỏi người chế biến phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng riêng như độ to, nhỏ của lửa, nhào bột ngô với nước sao cho vừa đủ để không bị khô hay nhão, đồ 2 lần để ngô tơi ngon.
Khi chín mèn mén sẽ có mùi thơm lan tỏa, vị bùi ngọt, đậm đà nên ăn càng chậm rãi, nhai càng kỹ thì sẽ càng cảm thấy thấm hương thấm vị.
Thắng cố
Từ một thứ đặc sản dân dã, lâu đời của người H’Mông trong các ngày lễ quan trọng, chợ phiên, thắng cố dần được khách du lịch biết đến và truyền tai nhau, để rồi trở thành một món ăn được khách thập phương tìm kiếm để thưởng thức mỗi khi đến với mảnh đất này.
Quầy bán Thắng cố tại chợ phiên Mèo Vạc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Thắng cố có nghĩa là canh thịt, bao gồm các loại thịt thường được chế biến như ngựa, trâu, bò, và lợn. Ban đầu, món ăn này được làm từ nguyên liệu chính là ngựa, nhưng hiện tại do thịt ngựa rất hiếm và đắt, nên đa phần các quán sẽ phục vụ thịt bò, trâu, lợn để thay thế.
Món ăn đặc trưng bởi việc pha trộn tất cả các bộ phận như lòng, tim, gan, phổi, tiết, thịt… đến xương để nấu. Toàn bộ lục phủ ngũ tạng, thịt, xương sẽ được ninh nhừ cùng 12 loại thảo mộc núi rừng như thảo quả, quế, hồi…
Còn gì thú vị hơn khi được ngồi quây quần bên nồi thắng cố liu riu lửa, phả khói ấm áp trong những ngày đông giá lạnh trên miền đá núi. Nhâm nhi cái vị ngai ngái từ ruột non để nguyên, những miếng thịt giòn sật hòa với vị thảo mộc núi rừng, thực khách sẽ đi từ cảm giác e sợ đến ngất ngây trước món ăn lạ lẫm mà lại độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người H’Mông.
Cháo Ấu tẩu
Cháo Ấu tẩu, món ăn được làm từ vị thuốc có độc tính là củ Ấu tẩu, nhưng qua cách chế biến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang lại trở thành đặc sản nổi tiếng.
Cháo Ấu tẩu từ lâu đã được coi là món cháo đặc sản ở Hà Giang. Món cháo này ban đầu là món ăn giải cảm của người Mông nhưng về sau trở thành món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích.
Người dân nơi đây gọi là cháo Ấu tẩu bởi nó được chế biến từ gạo nương và chân giò lợn đem nấu lẫn với củ Ấu tẩu tạo thành món ăn độc đáo.
Người Mông Hà Giang có bí quyết để “hóa giải” độc dược thành… bổ dưỡng với cách chế biến kỳ công. Củ Ấu tẩu sau khi được sơ chế bỏ vỏ, đem ngâm trong nước gạo một đêm, rồi ninh cho nhừ mềm, bở bung ra, thành chất sền sệt thì nấu với gạo tẻ ngon, gạo nếp cái đã được ngâm và giã qua, cùng với chân giò lợn đã được hầm nhừ, thêm chút gia vị, nấu nhừ.
Khi ăn, múc bát cháo ra bát, đập trứng gà, cho thêm một số loại rau thơm như hành, tía tô, trộn đều rồi ăn nóng. Thường một nồi cháo to chỉ sử dụng vài củ Ấu tẩu.
Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo Ấu tẩu là vị đắng như tam thất. Tuy nhiên cái đắng hòa cùng miếng Ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.
Thịt lợn cắp nách
Giống lợn có tên gọi đặc biệt này vì được người dân vùng cao cắp nách mang xuống chợ. Lợn cắp nách chỉ nặng khoảng 4 đến 10kg, được nuôi theo kiểu thả rông, ăn ngô, khoai, sắn hay rễ cây, rau cỏ trong rừng, lớn lên bằng thức ăn tự nhiên nên thịt rất sạch.
Món thịt lợn cắp nách nướng riềng, sả. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)
Lợn cắp nách có nhiều kiểu chế biến, để nguyên con quay hoặc mổ thịt làm món nướng, hấp, xào. Người vùng cao cho rằng ngon nhất là món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm muối giã với ớt xanh, mắc khén.
Thịt hấp hay nướng đều được bày ra lá chuối, hoặc mẹt, miếng thịt có lớp da giòn, lớp mỡ ít và thịt nạc chắc nhưng không bị dai. Có vùng hay làm món thịt lợn nướng ống tre, khi đó thịt thái nhỏ, ướp gia vị rồi đem nhồi trong ống tre cho lên bếp than nướng.
Trong quán ăn hoặc phiên chợ ở vùng cao, món ăn từ lợn cắp nách được bán cho du khách trải nghiệm, có thể kèm với rượu ngô hoặc rượu táo mèo để thêm trọn vị./.